Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 19:25

Quan điểm Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật kiểu mới và sự phát triển tư duy của đảng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới

ThS.Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng
 

Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, xây dựng nhà nước, pháp luật kiểu mới ở nước ta. Các quan điểm của Người về nhà nước, pháp luật kiểu mới đã trở thành nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội, điều này thể hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây (1919) với 8 điểm thì có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Đặc biệt, yêu sách thứ 7 đòi “Thay thế chế độ ra Sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”1. Ở đây, Người đã mặc nhiên thừa nhận cần phải có pháp luật, nhưng không phải là một thứ pháp luật bất kỳ mà là pháp luật của chế độ dân chủ, thể hiện được ý chí của đa số nhân dân, bằng một cơ quan đại diện do họ bầu ra và ban hành bằng hình thức luật. Ý nghĩa sâu xa của yêu sách này chính là nội dung, tính chất dân chủ của pháp luật.

Sau này, bản Yêu sách của nhân dân An Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển thành Việt Nam yêu cầu ca, trong đó yêu cầu thứ bảy được viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”2. “Trăm điều” là đề cập đến cái chung, bao quát, còn “thần linh pháp quyền” là nói đến ý thức, tinh thần pháp luật. Nhưng “thần linh pháp quyền” mà Hồ Chí Minh muốn đề cập đến là một phạm trù mà tính chất, ý nghĩa của nó còn cao hơn ý thức, tinh thần pháp luật: pháp luật phải chi phối, chỉ đạo mọi hành vi, hoạt động của bộ máy Nhà nước; môi trường pháp chế phải bao trùm mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới – Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, một vấn đề cấp bách đặt ra là phải xây dựng hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của chính quyền dân chủ nhân dân. Người đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu.”3 để bầu Quốc hội, tiến tới lập Chính phủ chính thức và nêu sự cần thiết phải xây dựng Hiến Pháp: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”4. Như vậy, ngay từ đầu, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước, pháp luật kiểu mới đã khẳng định sự cần thiết của Hiến pháp phải gắn liền với nền dân chủ, với quyền tự do dân chủ của nhân dân, Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trên nền tảng Hiến pháp và trong khuôn khổ của Hiến pháp mới đảm bảo quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.

Trong những năm đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam, Người là Trưởng ban soạn thảo, ký ban hành Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959. Đặc biệt, Hiến pháp 1946 mở ra một bước ngoặt quan trọng trong phát triển văn hóa lập pháp của Việt Nam - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên ở cõi Á Đông. Ngoài ra, Người còn công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật. Khối lượng văn bản đó luôn thể hiện rõ việc đề cao tính nhân đạo và nhân văn, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, dân chủ và hiệu lực thực tế của các điều luật.

Theo Người: “Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”5, Người đã chỉ rõ, hiệu lực của pháp luật chỉ có được khi mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và việc thực hiện thưởng phạt phải nghiêm minh: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”6. Muốn pháp luật nghiêm minh, phát huy hiệu lực, theo Người cần có các điều kiện đó là pháp luật đó phải đúng và đủ, “pháp luật dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”7; pháp luật phải đến được với dân, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình dám nói, dám làm”8, cán bộ thực thi pháp luật phải thật sự công tâm và nghiêm minh.

Pháp luật không phải để thống trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người “các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân…Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”9. Tư tưởng pháp quyền của Người không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi nhận trong văn bản pháp luật mà còn thấm đẫm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, đầy lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, pháp quyền Hồ Chí Minh là một loại pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc.

Bước vào thời kỳ mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng tích cực, tiến bộ về nhà nước pháp quyền, những giá trị tinh hoa của nhân loại để đưa vào thử nghiệm và từng bước xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng đúng đắn, đầy đủ, cụ thể và toàn diện hơn kể từ sau Đại hội VI của Đảng.

Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng chưa sử dụng thuật ngữ nhà nước pháp quyền chỉ nêu chủ trương phải “cải cách lớn” bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế (Đại hội VI của Đảng) đến việc đề cập rất khái quát về yêu cầu và nội dung xây dựng nhà nước (của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” - 1991): “tổ chức thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân… Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền”10. Quan niệm của Đảng về Nhà nước pháp quyền có bước phát triển rõ nét và toàn diện tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994) với chủ trương: “Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” cùng với nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa… do Đảng ta lãnh đạo”11. Từ đây, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trở thành chủ trương có tầm chiến lược, bao trùm toàn bộ tổ chức, hoạt động của nhà nước, là cơ sở lý luận cho việc triển khai các chủ trương, giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hội nghị Trung ương 8 khóa VII của Đảng (1/1995) là hội nghị chuyên đề bàn về Nhà nước với nội dung: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước đã tiếp tục khẳng định lại và cụ thể hóa hơn trong nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng, đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương ba khóa VIII đã bổ sung thêm tính “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước tức là chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”12.

Đại hội IX, Đại hội X của Đảng đã tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là điểm khác biệt so với nhà nước tư sản.

 Đại hội XI của Đảng bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”13 và nêu ba nội dung lớn cần tập trung để đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm”14.

Đại hội XII của Đảng, quan niệm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn: “Xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn kết với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội”1, với nhiệm vụ tổng quát: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ...”16 . Đại hội đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”17 đã đánh dấu sự phát triển tư duy của Đảng về quan niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng và hoàn thiện trong việc xử lý tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Qua hơn 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại... việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng: Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản; nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013; Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; …Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp; chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ;…

Trước thực trạng trên, một số phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ba là, hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Ba là, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật kiểu mới là nền tảng tư tưởng để ngày nay Đảng ta xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Với những thành tựu quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đạt được đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới - một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ghi chú:

1,2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, T.1, tr.436, 438.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H.2004, T.8, tr.2

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Sự thật, T.4, H.1984, tr.6.

5,7 Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb.Pháp lý, H.1985, tr.185-187, 187

6,8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, T.4,12, tr.163,223.

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG-Sự thật, H.2011, T.4, tr.64-65

10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb.CTQG, H,2006, tr.327.

11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2007, T.53, tr.224.

12 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, BCHTW khóa VIII, Nxb.CTQG, H.1997, tr.36.

13,14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XI, Nxb.CTQG-Sự Thật, H.2011, tr.52,52-55.

15,16,17 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.39,79,175-180.

Tin khác