Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 14:05

Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân từ phong trào Đồng khởi năm 1960 đến phong trào thi đua “Đồng khởi mới”

ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên khoa NN&PL
 

Lịch sử đã chứng minh, Nhân dân luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định vận mệnh, sự phát triển, trường tồn của dân tộc, của đất nước. Tiêu biểu cho điều đó có thể kể đến thắng lợi cuộc Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Đây đượcxem là một kỳ tích, một kỳ công độc đáo, có ý nghĩa sâu sắc về sự hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân; trong đó, sức mạnh của quần chúng nhân dân là nòng cốt. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Thực hiện Nghị quyết 15, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động tuần lễ “toàn dân đồng khởi” (từ ngày 17/1/1960 đến ngày 25/1/1960), làm nên cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, tạo nên dấu ấn lịch sử trong quá trình xây dựng chính quyền cách mạng ở Việt Nam. Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre là một bước ngoặt của cách mạng Miền Nam, là sức mạnh tổng hợp, là chiến công lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn của Đảng. Đảng đã tin tưởng, dựa vào quần chúng nhân dân, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh với phương châm: “Đồng lòng, đồng loạt, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị”. Quần chúng nhân dân ở các xã đã chung sức chung lòng, sẵn sàng xuống đường đấu tranh (mỗi xã có từ 300 đến 1000 người), đã tạo nên phong trào Đồng khởi lịch sử. Quần chúng nhân dân đã hiểu sâu sắc rằng chỉ có đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có độc lập, tự do thật sự.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960 là một điển hình về sự chung sức, chung lòng của quần chúng nhân dân đã diễn ra với quy mô lớn, liên tục, quyết liệt, kéo dài với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, linh hoạt. Quần chúng nhân dân, tay không vũ khí, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha độc lập tự do đã nổi dậy đấu tranh giành thắng lợi to lớn cho chính quyền cách mạng. Đêm 16 rạng sáng ngày 17/1/1960, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, lực lượng quần chúng nổi dậy kết hợp binh vận có vũ trang đã phá các hình thức kìm kẹp của địch giành thắng lợi nhanh, gọn ở Định Thủy. Sáng ngày 18/1/1960, nhân dân bao vây đồn dân vệ, lùng bắt tề, điệp, giản tán chính quyền, xã Phước Hiệp được giải phóng. Sáng ngày 20/1/1960, nhân dân bao vây, gọi hàng đồn dân vệ, bắt sống tù binh, xã Bình Khánh giành thắng lợi. Từ tháng 2/1960, phong trào Đồng khởi mở rộng ra toàn tỉnh, nhân dân đồng loạt nổi dậy, bao vây đồn bót, đóng góp lương thực, tài chính cho cách mạng, giải phóng nhiều địa phương. Trong phong trào Đồng Khởi, hàng chục vạn nhân dân trong tỉnh đồng loạt nổi trống mõ, đốt đuốc, thắp đèn biểu tình, phát loa kêu hàng, chiếm đồn bót địch... Kết quả, sau 1 năm Đồng khởi, quân và dân bến Tre đã giải phóng hoàn toàn 51/115 xã, 21 xã được giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ 300/500 ấp. Hệ thống chính quyền ngụy ở nông thôn tan rã, phá vỡ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, xây dựng chính quyền, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống Đồng khởi anh hùng, nhân dân Bến Tre luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy sức mạnh trên mọi mặt trận với mục tiêu là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết quả nổi bật là thực hiện thành công cuộc “Đồng Khởi mới”. Nhân dân Bến Tre đã đồng lòng, chung sức hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông góp phần xây dựng nông thôn mới. Các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Quỹ vì người nghèo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác anh sinh xã hội... đạt hiệu quả, tất cả đều phát huy sức mạnh từ nhân dân. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân mà phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” đã đạt được mục tiêu và phương châm “Đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Cụ thể: Thành phố Bến Tre được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh; 3 thị trấn: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày được công nhận đô thi loại IV; 49 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; kinh tế phát triển toàn diện, đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nhiều vùng nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo, các điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách ưu đãi người có công, gia đình chính sách được quan tâm kịp thời.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, Tỉnh ủy tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025 theo phương châm “Hai chân-Ba mũi”.  Cụ thể, “Hai chân” gồm: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. “Ba mũi” tập trung vào ba nhiệm vụ đột phá, gồm: Mũi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; mũi huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng; mũi phát triển nguồn nhân lực. Gắn với “Đồng khởi mới” là các phong trào thi đua với tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua” với sự “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt” của tất cả các cấp, các ngành và lực lượng nòng cốt vẫn là phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân. Để thực hiện đạt mục tiêu của “Đồng khởi mới”, một trong những nội dung cần quan tâm là tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân; Đảng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các công việc sau:

Thứ nhất, đề cao vai trò nêu gương của đảng viên, của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Đảng quan tâm xây dựng, giữ gìn đoàn kết trong Đảng, thật sự là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng phải đoàn kết để đủ năng lực, uy tín định hướng quy tụ, tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân. Đảng quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, kịp thời có giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế. Tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên phải thể hiện được vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân, giữa các chủ thể nhân dân với nhau. Trong công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp phải gương mẫu, tận tụy trong công việc, gần dân, trọng dân. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt là những người giữ vị trí, chức vụ trong bộ máy nhà nước, kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, chú trọng làm tốt công tuyên truyền, giáo dục nâng cao lòng tự hào dân tộc, về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong chiến tranh. Tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nhân dân kịp thời nắm bắt, đồng thuận, cùng nhau thực hiện; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ đoàn kết trong nhân dân. Tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ, ý nghĩa hơn về phong trào “Đồng khởi mới” trong giai đoạn mới, tình hình mới. Mỗi người dân, dù ở cương vị nào trong xã hội đều phải có ý chí, niềm tin, khát vọng thực hiện “Đồng khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, nhân dân hăng hái đoàn kết, phát huy sức mạnh của ý chí, nghị lực, năng lực sáng tạo giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện các mô hình hay, bền vững, tham gia phong trào thi đua với nhiều việc làm thiết thực hơn.

Thứ ba, quan tâm, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện tốt các chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; có chính sách tạo việc làm cho nhân dân, người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh. Đó là điều kiện để nhân dân phát huy sức mạnh, trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa trong đời sống xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; thường xuyên lắng nghe, đối thoại, tiếp thu, giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân./.

Tài liệu tham khảo

-Tập bài giảng Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Bến Tre, Nxb LLCT năm 2017

-Báo cáo số 553-BC/BCSĐ ngày 29/11/2019 của Ban Cán sự Đảng, sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”.

-Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin khác