Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 16:07

Nhớ về một người Thầy

Tiến sĩ Phạm Huỳnh Minh Hùng
Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học quốc gia TPHCM tại tỉnh Bến Tre

 

Năm nay, Trường Chính trị tỉnh Bến Tre tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Chính trị tỉnh (1947 - 2017) cũng là dịp để mỗi cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ ôn cố tri tân. Riêng tôi, nhớ lại những năm tháng công tác tại Trường Chính trị quả thật đây là một chặng đường khá dài với nhiều kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn viết đôi dòng thể hiện sự kính trọng và cũng là tri ân về một người thầy, người lãnh đạo có tác động, ảnh hưởng lớn đến quá trình công tác cũng như sự nghiệp của tôi đó là thầy Nguyễn Chí Trung, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, tôi thường gọi là chú Mười
Bước ngoặt cuộc đời tôi sau lần gặp thầy Hiệu trưởng. Việc tôi được nhận vào TCT không đơn giản nếu như tôi không có cơ duyên được gặp chú Mười. Lần đầu tiên tôi vinh dự được biết và gặp chú Mười vào năm 1996. Lúc đó, Trường Chính trị (TCT) có chủ trương lựa chọn một số học sinh vừa tốt nghiệp THPT để hợp đồng đưa đi đào tạo trình độ đại học chính quy tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội) nhằm tạo nguồn giảng viên lý luận chính trị cho nhà trường.Thời điểm này thật ra tôi đang theo học tại trường Đại học Tổng hợp chuyên ngành tiếng Anh (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh). Lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chật vật về kinh tế, Ba tôi gần như không thể chu cấp tiền ăn học, sự nghiệp học hành của mình trước nguy cơ đổ vỡ. Chính vì thế, khi hay tin TCT tuyển người, tôi tức tốc từ Sài Gòn về Bến Tre để mong được đi học ở Hà Nội cũng là để giảm gánh nặng học hành cho gia đình.
Tôi gặp cô Nguyễn Thị Ngọc Yến – Nguyên Phó trưởng phòng Đào tạo của TCT (tôi thường gọi là thím Năm, mẹ của một người bạn thân) hướng dẫn vào TCT để xin được làm “cán bộ” và để đi học.  Khi ấy, khoảnh khắc đầu tiên của tôi là sự hụt hẫng và thất vọng vì được biết rằng nhà trường đã khóa sổ, hết chỉ tiêu tuyển dụng! Chắc có lẽ thấy bộ mặt buồn thiu của tôi nên thím Năm nói với tôi rằng “Thôi để thím dắt con qua gặp thầy Hiệu trưởng thử coi có hy vọng gì không ?”. Tôi vào phòng làm việc của chú Mười, lúc đó ấn tượng đầu tiên về chú là một người có tầm vóc cao lớn nhưng không xa cách, nghiêm nghị nhưng từ tốn, lịch lãm nhưng giản dị. Rồi thì tôi được chú trực tiếp pha trà cho uống, chú hỏi rất nhiều điều từ hoàn cảnh gia đình đến chuyện học hành hồi phổ thông cũng như hiện tại, rồi thì ước mơ, hoài bão là gì… Chú hỏi gì thì tôi trả lời nấy. Tôi không rõ và cũng không biết là tại sự thật thà hay khả năng biện luận của mình, hay là tại cái gì nhưng ngay sau đó chú đưa cho tôi một lá đơn (viết tay) xin vào TCT của một ứng viên đến trước tôi và bảo tôi viết tương tự như thế.
Tôi được Ban Giám hiệu nhận vào TCT, sau lần gặp đầu tiên với thầy Hiệu trưởng. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp học hành của tôi. Chính chú Mười, Ban Giám hiệu nhận vào TCT, đưa đi đào tạo mà tôi mới hoàn thành chương trình đại học, tạo nền tảng để về sau tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh.
Thầy Nguyễn Chí Trung đã dạy cho tôi về bài học đạo đức để làm người, làm cán bộ cho tử tế. Năm 2000, tôi tốt nghiệp đại học và trở về TCT công tác tại khoa Lý luận cơ sở. Thời gian này tôi học được ở chú Mười rất nhiều về bài học đạo đức cách mạng. Điều cần nhấn mạnh rằng không phải chú trực tiếp dạy bảo cho riêng tôi, mà là tôi học từ chú thông qua những lần hội họp. Những lúc như thế chú thường nhắc nhỡ nhiều vấn đề có liên quan đến đạo đức của người cán bộ đảng viên nhất là tinh thần trách nhiệm và phụng sự. Điều quan trọng hơn là tôi học được từ tấm gương đạo đức của bản thân chú. Sự thật là trong suốt thời gian được làm việc cùng chú Mười từ năm 2000 cho đến khi chú nghỉ hưu năm 2005, tôi chỉ thấy ở chú Mười những điều như thể rất siêu hình, phiến diện mà trong thời buổi hiện nay khó mấy ai làm được, đó là: chỉ có làm việc mà không than vản, chỉ có cống hiến mà không đòi hỏi, chỉ có cho đi mà không tư lợi. Ở chú với tư cách là người lãnh đạo thì chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ là điều xa lạ; thói “ghét lâu, thù dai” là không hề tồn tại; óc bè phái, gây mất đoàn kết là điều không thể chấp nhận.
Chú Mười đã dạy tôi sống là phải biết vị tha, sẻ chia và yêu thương.Không rõ do trách nhiệm từ vị trí là Hiệu trưởng, là thủ trưởng của một đơn vị hay xuất phát từ tình yêu thương chân thành mà chú Mười luôn là địa chỉ đáng tin cây để nhiều người trong cơ quan có thể tâm sự, bày tỏ suy nghĩ, tình cảm và dĩ nhiên sẽ đón nhận được sự cảm thông, thấu hiểu từ nơi chú. Hơn thế nữa, chú Mười luôn có sự gần gũi, có những việc làm rất ấn tượng và xúc động. Tôi vẫn nhớ chú thường quan tâm đến nhân viên cấp dưới, nhất là với chị em phụ nữ không chỉ vào những dịp lễ tết hay có sự kiện đặc biệt mà cả những lúc bình thường khi thì chỉ là lời hỏi thăm ân cần, lúc thì tặng cho món quà nhỏ có ý nghĩa tinh thần hơn là nặng về vật. Có lần, tại phòng văn thư của cơ quan, tôi tình cờ chứng kiến việc chú Mười cho tiền cô bạn đồng nghiệp để chữa răng để cho có… thẩm mỹ khi lên lớp giảng bài. Chú bảo “Tao chỉ có ngần này tiền, tụi bây kiếm thêm rồi đi làm lại răng. Con gái lại là giáo viên mà lên lớp răng cỏ bị hư thì coi hỏng có được”.
Thầy Hiệu trưởng đã khích lệ, tạo động lực cho tôi đam mê nghiên cứu khoa học. Thời chú Mười làm Hiệu trưởng, hoạt động nghiên cứu khoa học ở TCT khá sôi nổi. Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ cơ bản mà từng giảng viên phải thực hiện. Bên cạnh sự phấn đấu, nỗ lực của giảng viên để khẳng định năng lực thì không thể không nhắc đến sự tác động lớn từ vai trò của người đứng đầu. Với chú Mười, nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng đối với người thầy giáo trường Chính trị. Theo chú Mười, có nghiên cứu khoa học tốt thì sẽ nâng cao nhận thức, nâng tầm tư duy và từ đó hỗ trợ cho việc giảng dạy được tốt hơn. Để động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên nhất là giảng viên trẻ tích cực nghiên cứu khoa học, chú Mười có cách làm độc đáo đó là… thưởng. Chú Mười bảo bất kỳ cán bộ, giảng viên nào viết bài đăng báo, tạp chí thì nếu được đăng cứ đem bài đến cho chú coi qua thì sẽ được thưởng. Thế là bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp trẻ khác thời kỳ này được lãnh tiền “nhuận bút” của chú cũng kha khá. Dĩ nhiên, chúng tôi cần khẳng định rõ là không phải vì được chú Mười thưởng tiền thì mới viết bài mà kỳ thực chúng tôi nghiên cứu khoa học là để hưởng ứng một mong muốn chính đáng, một kỳ vọng lớn lao đối với lớp cán bộ, giảng viên trẻ sẽ sớm trưởng thành hơn, kế tục sự nghiệp của các thế hệ trước tốt hơn từ một người thầy khả kính…
Những điều tôi viết trên đây tuyệt nhiên không là sự sùng bái cá nhân mà suy cho cùng chỉ là sự kính trọng đối với một vị lãnh đạo đã nghỉ hưu. Điều này chắc có lẽ chấp nhận được. Bày tỏ tình cảm về một người thầy, người lãnh đạo có những phẩm chất đạo đức tốt cũng là cách giúp cho bản thân mình cố gắng học tập, noi theo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hướng đến mục tiêu đơn giản nhưng không dễ thực hiện đó là làm cán bộ, làm người sao cho tử tế./.

Tin khác