Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 19:41

Lưu thông hàng hóa trong điều kiện vừa chống dịch Covid-19 vừa tuân thủ các quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

CN. Hồ Thị Thùy Dung
Giảng viên tập sự Khoa Lý luận cơ sở
 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có tốc độ lây lan rất nhanh ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống Nhân dân. Trước tình hình đó, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, ổn định đời sống Nhân dân, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, nhằm chủ động ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả tình hình lây lan của dịch bệnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc đảm bảo lưu thông hàng hóa trong điều kiện vừa chống dịch vừa tuân thủ các quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm giải quyết triệt để. Nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng có dịch Covid-19. Đồng thời đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa ổn định phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa cả nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Như vậy, đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, một mặt vận hành đầy đủ đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường (quy luật giá trị, quy luật lưu thông tiền tệ, quan hệ cạnh tranh, quan hệ cung cầu…), một mặt đảm bảo sự quản lý toàn diện, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cho dù trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường hay trong những tình huống bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn cả nước chung sức, đồng lòng chống lại đại dịch Covid-19 thì mục tiêu vì lợi ích của Nhân dân phải được đặt lên trên hết, trước hết, quan trọng nhất. Trong đó, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong điều kiện vừa chống dịch vừa tuân thủ các quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa ổn định đời sống Nhân dân, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cấp bách cần quan tâm.

Lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, khuyến mại, vận chuyển và lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ. Như vậy có thể hiểu lưu thông hàng hóa là quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất (nơi mua hàng) đến nơi tiêu thụ (nơi bán hàng). Quá trình lưu thông hàng hóa là khâu tất yếu của quá trình sản xuất hàng hóa nếu không có lưu thông hàng hóa thì quá trình sản xuất hàng hóa sẽ bị gián đoạn, ngưng trệ hoặc thậm chí là chấm dứt quá trình sản xuất hàng hóa. Chính quá trình lưu thông giúp cho sản xuất hàng hóa diễn ra thuận lợi hơn, phân phối hàng hóa nhanh hơn, xa hơn, sản phẩm hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng ở cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó quá trình lưu thông hàng hóa lại làm phát sinh thêm chi phí lưu thông, chi phí lưu thông hàng hóa là chi phí lao động xã hội cần thiết thể hiện bằng tiền trong lĩnh vực lưu thông nhằm chuyển đưa hàng hóa từ nơi sản xuất (mua hàng) đến nơi tiêu dùng (hay nơi bán hàng). Đó là chi phí vận tải, bốc dỡ hàng hóa; chi phí bảo quản, thu mua, tiêu thụ (bán hàng); chi phí hao hụt hàng hóa và chi phí quản trị kinh doanh của doanh nghiệp thương mại. C.Mác đã chỉ ra các phi phí lưu thông (chi phí lưu thông thuần túy và chi phí lưu thông bổ sung đã được nhà sản xuất tính toán và bán hàng hóa thấp hơn giá trị thực tế của nó (giá bán buôn), để rồi doanh nghiệp thương mại bán lại hàng hóa cho người tiêu dùng đúng giá trị (giá bán lẻ), thu về lợi nhuận thương nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, quy luật giá trị được biểu hiện thông qua giá cả hàng hóa. Giá cả hàng hóa là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa. Quy luật giá trị hoạt động thể hiện ở sự vận động của giá cả xoay xung quanh trục giá trị. Nếu sức mua đồng tiền không đổi, không kể đến điều tiết của nhà nước và độc quyền thì xảy ra ba trường hợp. Khi cung bằng cầu, thì giá cả tương đồng với giá trị hàng hóa (đây là trường hợp lý tưởng của thị trường). Khi cung lớn hơn cầu, thì giá cả thấp giá trị. Khi cung nhỏ hơn cầu, thì giá cả lớn hơn giá trị. Tuy nhiên xét tổng thể thì tổng giá cả luôn bằng tổng giá trị. Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào các yếu tố: giá trị của hàng hóa, quan hệ cung cầu, quan hệ cạnh tranh, sức mua của đồng tiền, độc quyền và sự điều tiết của Nhà nước. Như vậy theo quy luật giá trị, quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa thì chi phí lưu thông không gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa vì đã được nhà sản xuất khấu trừ trong phần giá bán buôn cho doanh nghiệp thương mại. Trên thị trường, doanh nghiệp thương mại chỉ cần bán hàng hóa theo đúng giá trị vẫn thu được một phần lợi nhuận. Nhưng trên thực tế chi phí lưu thông hàng hóa được các doanh nghiệp thương mại tính toán tối ưu hóa đến mức thấp nhất nhằm bán hàng hóa đúng giá trị vẫn thu được phần chênh lệch nhiều hơn phần lợi nhuận mình đã được nhượng lại theo quy luật tỷ suất lợi nhuận bình quân. Hoặc nhằm mục đích bán hàng hóa với giá bán lẻ cạnh tranh, thấp hơn các doanh nghiệp thương mại khác cùng kinh doanh một loại hàng hóa để tăng tính cạnh tranh, chiếm giữ các kênh phân phối trên thị trường. Đáng chú ý có những trường hợp chi phí lưu thông tăng vượt mức dự kiến trong những tình huống bất bình thường (thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, chiến tranh, giao thông ngưng trệ, thiếu nhân viên vận chuyển, giá xăng dầu tăng,…) trong tình huống này chi phí lưu thông phát sinh được doanh nghiệp thương mại cộng trực tiếp vào giá bán lẻ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Đây là tình huống mà chúng ta đã chứng kiến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, lan nhanh và ảnh hưởng lớn ở nước ta. Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, người lao động bị mất việc làm, giảm hoặc mất đi thu nhập, làm mất khả năng thanh toán một số nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Một số doanh nghiệp thương mại bán lẻ lại thực hiện tăng giá bán hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu với lý do bất khả kháng là chi phí lưu thông hàng hóa và nhu cầu về hàng hóa thiết yếu trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 tăng cao, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đại bộ phận người dân nhất là những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động mất việc làm, người già, người neo đơn, gia đình chính sách…). Vì vậy, chúng ta cần xác định đây là một trong những vấn đề phức tạp, cần phải giải quyết triệt để nếu không sẽ gây ra điểm nóng xã hội, mất niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch có cớ để tăng cường xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Như vậy chúng ta thấy rằng, tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do các nguyên nhân: Người dân đổ xô đi mua dự trữ hàng hóa thiết yếu tạo sự khan hiếm hàng hóa cục bộ; Một bộ phận doanh nghiệp thực hiện găm hàng, đầu cơ nhằm mục đích tăng giá bán kiếm lời; Chi phí lưu thông hàng hóa tăng cao vì mất thời gian ở các chốt kiểm dịch, chi phí xét nghiệm nhanh cho tài xế và lực lượng hậu cần phục vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa; Không tiếp cận được nguồn hàng vì các doanh nghiệp sản xuất, địa phương sản xuất nông sản rơi vào phong tỏa vì có dịch;… trong đó vấn đề gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa và chi phí lưu thông tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Đây chỉ là một hiện tượng kinh tế, chứ không phải là hệ lụy tất yếu của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Chúng ta cần phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động cho rằng đây là bản chất của kinh tế thị trường, chỉ có một nền kinh tế thị trường tự do thuần túy chứ không có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng lợi dụng hiện tượng, đánh đồng là bản chất để phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng, cho rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chỉ là trò mị dân, cải lương vì Đảng, Chính phủ không thể giải quyết triệt để.

Xuất phát từ thực trạng trên yêu cầu sự gấp rút vào cuộc của các cấp, ngành để giải quyết triệt để vấn đề lưu thông hàng hóa trong điều kiện vừa chống dịch Covid-19 vừa tuân thủ các quy luật kinh tế khách quan nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính nhân văn trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Thiết nghĩ các cấp ngành, các địa phương cần phải tích cực thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân hiểu rõ về các yêu cầu cần thiết khi thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch, an tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc, cùng với chính quyền địa phương tạo nên trận địa toàn dân chống dịch.

 Để thực hiện tốt giải pháp này địa phương cần tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm rõ, thực hiện tốt các nội dung sau: Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vẫn cho phép các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa (như các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép...) song phải đảm bảo quy tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Đồng thời địa phương cam kết bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Khuyến khích người dân chỉ mua hàng hóa đủ dùng trong hai, ba ngày, tránh việc tập trung mua sắm, tích trữ các mặt hàng thiết yếu vừa không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch vừa làm lãng phí, khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá cả hàng hóa gây ảnh hưởng chung đến tất cả mọi người. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại, sử dụng hình thức đi chợ giúp người dân…, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa qua kênh thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận.

Thứ hai, quán triệt thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của Chính phủ về việc không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông Vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị. Việc kiểm tra đối với các phương tiện nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Thứ ba, cần chuẩn bị kế hoạch cụ thể để tiêm phòng cho lực lượng tài xế, người giao hàng (shipper) để đảm bảo lực lượng này phục vụ tốt cho quá trình lưu thông hàng hóa trong mùa dịch, vừa đảm bảo chống dịch vừa kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Thứ tư, các địa phương, vùng có dịch, khu vực phong tỏa cần linh động, sáng tạo trong xây dựng các mô hinh đi chợ giúp dân, đội hình shipper áo xanh, tổ chức các xe bán hàng lưu động phục vụ các mặt hàng thiết yếu nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho Nhân dân khu vực phong tỏa, cách ly. Quyết tâm không thể bất kỳ người dân nào bị đói, bị thiếu thuốc men, lương thực, thực phẩm trong thời gian phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội.

Thứ năm, hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến địa phương mua hàng, kịp thời giải quyết nhu cầu tiêu thụ nông sản của những vùng sản xuất nông sản vào vụ thu hoạch.

Thứ sáu, yêu cầu các doanh nghiệp thương mại, bán lẻ hàng hóa cam kết không tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đảm bảo giá bán bình ổn thị trường, chung tay, đồng lòng cùng các cấp chính quyền chia sẻ, hỗ trợ nhân dân vượt khó khăn mùa dịch.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở việc lưu thông hàng hóa thiết yếu, tăng giá bán bất hợp lý, các hoạt động thu gom đầu cơ các mặt hàng thiết yếu.

Trên thực tế, đây là những giải pháp cấp bách, kịp thời để phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch. Về lâu dài để phục vụ cho nhu cầu ổn định, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị cẩn trọng, từng bước, xây dựng những kênh phân phối, vận chuyển hàng hóa dịch vụ đảm bảo an toàn, thông suốt trong mọi điều kiện, thích nghi với những biến động nhanh chóng của tình hình.

Đảng, Nhà nước ta khẳng định, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao năng suất lao động xã hội, từng bước xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, mục tiêu vì lợi ích của Nhân dân luôn đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng chống dịch thì mục tiêu vì sự an toàn tính mạng, sức khỏe, ổn định đời sống của Nhân dân được đặt lên trên hết, trước hết. Trong đó việc đảm bảo lưu thông hàng hóa trong điều kiện vừa chống dịch vừa tuân thủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường là vấn đề cấp bách.

Nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng có dịch Covid-19. Quyết tâm không để một người dân nào bị đói, bị thiếu lương thực, thực phẩm, không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền vận động thuyết phục người dân an tâm, tin tưởng vào sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng để mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc trong quá trình chống dịch; quán triệt thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của Chính phủ về việc không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân; cần chuẩn bị kế hoạch cụ thể để tiêm phòng cho lực lượng tài xế, người giao hàng vừa đảm bảo chống dịch vừa kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa; sử dụng linh hoạt các hình thức phân phối hàng hóa thiết yếu trong khu cách ly, phong tỏa; hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản, kịp thời giải quyết nhu cầu tiêu thụ nông sản của những vùng sản xuất nông sản vào vụ thu hoạch; yêu cầu các doanh nghiệp thương mại, bán lẻ hàng hóa cam kết không tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở việc lưu thông hàng hóa thiết yếu, tăng giá bán bất hợp lý, các hoạt động thu gom đầu cơ các mặt hàng thiết yếu. Tin tưởng rằng với sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 trong thời gian tới, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa ổn định phát triển kinh t-ế xã hội, sớm đưa cả nước trở lại trạng thái bình thường mới./.

Phòng, chống dịch Covid-19: 

Tin khác