Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 02:23

Kinh nghiệm Hiệp định Giơnevơ và sự phát triển đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ mới

ThS.  Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng
 

Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã mở ra dấu ấn mới trong đối ngoại đa phương của Đảng ta, đặt cơ sở pháp lý để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất hoàn toàn. Bên cạnh những thành công, một số bài học, kinh nghiệm được rút ra trong tiến trình ký Hiệp định Giơnevơ là hành trang vô cùng quý báu cho sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới.

Hội nghị Giơnevơ được triệu tập và bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương vào ngày 8/5/1954, khi Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), đến ngày 21/7/1954, Hiệp định được ký với những nội dung:

 “Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia là quyền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó.

Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, lập lại hoà bình trên toàn Đông Dương.

Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyết 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ, không có vùng tập kết. Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau hai năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào và không để cho các nước khác dùng lãnh thổ của mình vào việc gây chiến tranh hoặc phục vụ cho mục đích xâm lược.

Không phân biệt đối xử, không trả thù những người đã cộng tác với bên này hoặc bên kia trong thời gian chiến tranh.

Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơnevơ thuộc về những người ký hiệp định và những người kế nhiệm.

Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, do Ấn Độ làm chủ tịch”1.

Mỹ không ký vào bản Tuyên bố chung của Hội nghị mà ra Tuyên bố riêng ghi nhận kết quả của Hội nghị.

Việc ký Hiệp định Giơnevơ có ý nghĩa:

Một là, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đây là thắng lợi của một nước nhỏ đánh thắng một đế quốc lớn. Thắng lợi đã chứng tỏ không một sức mạnh nào có thể thắng nổi một dân tộc đoàn kết, phấn đấu, quyết tâm đập tan xiềng xích nô lệ, đánh bại quân xâm lược.

Hai là, làm cho nhân dân ta thêm tin tưởng ở sức mạnh của mình và tiền đồ vẻ vang của dân tộc. Đồng thời làm cho nhân dân thế giới thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới.

Ba là, góp phần phát triển cách mạng Lào và Campuchia; cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc và thúc đẩy quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Từ thực tiễn ký Hiệp định Giơnevơ, một số kinh nghiệm đúc kết trong đàm phán:

Thứ nhất, phải kết hợp với cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự, lấy thắng lợi trên mặt trận quân sự làm cơ sở, thực lực cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại mặt trận ngoại giao.

Chủ trương mở mặt trận ngoại giao của Đảng được phối hợp cùng mặt trận quân sự qua cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân (1953-1954). Đặc biệt, tháng 10/1953, khi Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ Chính phủ Lanien tìm giải pháp thương lượng để giải quyết cuộc chiến tranh bằng cách đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của nhân dân ta: “nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng”2, bởi chính thắng lợi trên mặt trận quân sự sẽ là cơ sở thực lực cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại mặt trận ngoại giao thuận lợi hơn và “ta phải đẩy mạnh kháng chiến, tiêu diệt chỉ thật nhiều sinh lực địch hơn nữa, thì địch mới chịu nhận thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam, tôn trọng quyền tự do, độc lập dân tộc ta”3.

Người cũng nhấn mạnh, nếu “Chính phủ Pháp… muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”4, “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”5. Tuy nhiên, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã không “thật thà” trong thực hiện đàm phán, vẫn rêu rao “hòa bình” để lừa bịp dư luận trong nước và thế giới. Đảng ta đã xé toạc chiêu bài “hòa bình” giả hiệu của chúng và khẳng định đấu tranh ngoại giao và quân sự cần kết hợp “ngọn cờ hòa bình phải do tay ta nắm lấy và gương cao…. Hòa bình cũng như độc lập phải đấu tranh gian khổ mới giành được”6, trong đó đấu tranh quân sự tiêu diệt quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quan trọng: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự, chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Giơnevơ sắp họp. Bởi vậy ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này” 7. Quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng đã nhanh chóng biến thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, là nơi đánh dấu “chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã”8 làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơnevơ.

Thứ hai, trong đàm phán quốc tế phải đánh giá được tình hình thế giới, ý đồ của các bên tham gia hội nghị, từ đó có sách lược đàm phán phù hợp, có lợi cho ta.

Tại Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 15 đến ngày 17/7/1954) nhận định tình thế giới và ý đồ các bên trong tham gia hội nghị: “tình thế trong nước phát triển ngày càng có lợi cho ta, địch đang gặp nhiều khó khăn lớn tuy chúng vẫn không ngừng giãy giũa”9. Những thắng lợi toàn diện của ta sau chín năm kháng chiến “đã đánh dấu một bước tiến rất lớn của quân và dân ta… nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”10. Nguyên nhân là do sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta chưa giải phóng ngay đồng bằng Bắc bộ; cuộc “chiến tranh trường kỳ, nhân dân ta phải đóng góp sức người, sức của cũng nặng. Nếu chiến tranh kéo dài thì có thể sinh ra những hiện tượng mệt mỏi và khó khăn của chúng ta có thể nhiều hơn.”11. Trong lúc đó, Mỹ lợi dụng thất bại nặng nề của Pháp để can thiệp trắng trợn hơn vào Đông Dương, đã làm cho “lực lượng so sánh giữa ta và địch sẽ có thể thay đổi không có lợi cho ta”12. Lập trường của Mỹ là không muốn ràng buộc vào một giải pháp mà những nhượng bộ của nó “vi phạm nghiêm trọng một số nguyên tắc mà Hoa Kỳ muốn bảo vệ”13 nên gây sức ép với các đoàn Phương Tây nhằm đạt một giải pháp có lợi nhất đối với họ và cuối cùng, Mỹ đã không ký vào bản Tuyên bố chung của Hội nghị mà ra Tuyên bố riêng ghi nhận kết quả Hội nghị.

Còn hai đồng minh quan trọng của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc xuất phát từ lợi ích dân tộc của mỗi nước, đang theo đuổi xu thế hòa hoãn, muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương, không muốn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi cao hơn nữa. Trung Quốc “không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa”14 vì con đường phù hợp với lợi ích của Trung Quốc là cùng tồn tại hòa bình.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến của ta, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng; căn cứ vào thực trạng mối quan hệ giữa các nước lớn tham gia Hội nghị, nhất là giữa Trung Quốc và Liên Xô với Việt Nam lúc đó, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định. Việc ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó.

Thứ ba, trong đàm phán ngoại giao phải luôn giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tránh phụ thuộc vào nước lớn, tránh đàm phán trung gian, đại diện hay ủy nhiệm mà phải đàm phán trực tiếp. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc cũng như của lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Hội nghị Giơnevơ về giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương được sự giúp đỡ rất lớn của Liên Xô, Trung Quốc và sự đồng tình, hoan nghênh của thủ tướng Ấn Độ, Ngoại trưởng Inđônêxia, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt, nhờ lập trường kiên định của Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tham gia vào hội nghị quốc tế, mặc dù chưa được Anh, Pháp, Mỹ công nhận về mặt ngoại giao. Tham gia vào hội nghị đã tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếng nói chính nghĩa của mình và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán ngoại giao, do ta chưa có kinh nghiệm, có lúc còn bị động với bối cảnh quốc tế “chưa thấu hiểu hết ý định chiến lược của bạn đồng minh trong bước cuối của cuộc hòa đàm nên có phần chưa phát huy được đầy đủ độc lập, tự chủ khi ký Hiệp định Giơnevơ”15. “Khác với phương án đấu tranh của ta, đàm phán hòa bình không phải là việc chủ yếu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, mà có sự dàn xếp của các nước lớn; đường ranh giới quân sự tạm thời không phải là vĩ tuyến 13 hay vĩ tuyến 16, mà là vĩ tuyến 17; thời hạn tổng tuyển cử không phải là sau 6 tháng mà là 2 năm kể từ khi ký Hiệp định đình chiến”16. Với Lào và Campuchia, hai đại diện Pathét Lào và Khơme Ítxarắc không được chấp nhận tham dự Hội nghị, nên quyền lợi pháp lý của hai dân tộc cũng không được tôn trọng. Từ đó cho thấy những yêu cầu chính trị do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia đặt ra, chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ba nước Đông Dương.

Tóm lại, Hiệp định Giơnevơ được ký vào ngày 21/7/1954 đã góp phần vào “việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới,… tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới”17 - xây dựng chủ nghĩa xã hội tạo cơ sở hậu phương vững chắc cho miền Nam thực hiện nhiệm vụ đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những kinh nghiệm được rút ra từ Hiệp định Giơnevơ là bài học vô cùng quý báu cho cách mạng Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại sau này và đã góp phần vào thắng lợi hoàn toàn ở Hiệp định Pari năm 1973 “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất hai miền Nam, Bắc, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển chủ trương về đường lối đối ngoại như trong nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới đã đánh dấu sự đổi mới tư duy về công tác đối ngoại. Đây là cơ sở hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Đảng chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ đã đánh dấu sự chuyển biến lớn trong nhận thức của Đảng về đường lối đối ngoại, chuyển từ đường lối đối ngoại mang đậm tư tưởng ý thức hệ sang đường lối đối ngoại coi trọng lợi ích quốc gia và tư tưởng chính trị thực tế.

Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã định ra đường lối mới, kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XI, và có những bổ sung, phát triển mới. Đại hội chủ trương “thực hiện thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế;…”18, và định hướng công tác đối ngoại đa phương: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc” 19 đặc biệt việc thông qua Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 08/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 là một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, công tác đối ngoại đa phương của Đảng có bước phát triển mới về chất. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như: Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam (9/2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2,  Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Hà Nội ngày 4/6/2019,... ; được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng như được đề cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 (tháng 5/2018), Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) (tháng 12/2018); thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 30 quốc gia;…

Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại:

Thứ nhất, tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn đi vào chiều sâu.

Thứ hai, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền tại Biển Đông; củng cố sự đồng thuận của ASEAN trên vấn đề Biển Đông; tăng cường tham vấn, phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán COC thực chất, hiệu lực và hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại với các nước và các khu vực; đẩy mạnh hoàn tất khuôn khổ pháp lý phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong CPTPP; nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU.

Thứ tư, quán triệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25 của Bộ Chính trị về tăng cường quan hệ đảng trong tình hình mới.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả phối hợp trong tổ chức các hoạt động đối ngoại, tạo sự gắn kết, đồng bộ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược; đánh giá kịp thời sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách xử lý các vấn đề đối ngoại hệ trọng phát sinh, tránh rơi vào thế bị động, bất ngờ.

Quán triệt, thực hiện nhất quán nhiệm vụ đối ngoại, cùng những kinh nghiệm của Hiệp định Giơnevơ, những thành tựu của công tác đối ngoại của Đảng năm 1986 đến nay đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế chuyên nghiệp và đa dạng về nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Ghi chú:

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb.CTQG, H.2014, tr.615-633.
2,4,5,8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, T8,8,8,14, tr.340,340,341,315
3,6,7,9,10,11,12,17 Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H.2004, T.14,14,15,15,15,15,15,21, tr.556,556,88,223,223,223,225,502.
13 Các tài liệu Lầu Năm Góc, T.1, tr.150-151
14 Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb.Thông tin lý luận, H.1981, tr.109
15 Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học, Nxb.CTQG, H.2000, tr.216-217.
16 Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb.CTQG, H.2002, tr.153-154.
18,19 Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.151,315.

Tin khác