Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 13:29

Kết quả 05 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                                             Trưởng phòng TC - HC - QT

Là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi ba dãy cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh) nên Bến Tre có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh xác định “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn”. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020 (Đề án số 6227/ĐA-UBND, ngày 18/12/2013).

Để tập trung toàn hệ thống chính trị tham gia thực hiện đề án, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 26-KL/TU ngày 01/7/2016 về tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2015, hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án số 6227/ĐA-UBND, ngành nông nghiệp Bến Tre đã đạt những kết quả khả quan, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được thực hiện tốt; chuyển dịch cơ cấu nông lâm thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ trọng khu vực I giảm từ 42,5% xuống còn 37,92% trong tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tỷ trọng nông nghiệp khu vực I từ 42,88% tăng lên 50,59%, trong đó trồng trọt từ 24,24% tăng lên 25,4, chăn nuôi từ 15,2% tăng lên 17,17%. Tỷ trọng thủy sản từ 57,02% giảm xuống còn 49,18%, trong đó khai thác từ 24,46% giảm xuống còn 22,79%, nuôi trồng từ 32,27% tăng lên 32,55%. Diện mạo nông thôn Bến Tre ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân trên năm của người dân nông thôn tăng lên từ 21 triệu năm 2013 lên 32 triệu đồng năm 2017. Kết quả cụ thể trên một số lĩnh vực như sau:

Trên lĩnh vực thủy sản: Đến năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 46.500 ha, sản lượng đạt 260.105 tấn, so với năm 2013 diện tích nuôi thủy sản tăng lên 2.419 ha, sản lượng tăng lên 21.464 tấn. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 203.697 tấn, tăng 45.722 tấn so với năm 2013.

Trên lĩnh vực trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng năm 2017 là 40.775 ha, sản lượng 167.660 tấn, so với năm 2013 diện tích lúa giảm 31.462 ha, sản lượng giảm 163.829 tấn. Diện tích dừa toàn tỉnh là 70.621 ha, sản lượng đạt 573,4 triệu trái, so với năm 2013 diện tích dừa tăng lên 7.621 ha, sản lượng tăng 80 triệu trái/năm.

Trên lĩnh vực chăn nuôi: Năm 2017 toàn tỉnh có khoảng 610.000 con heo, tăng 168.947 con so với năm 2013, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành. Tổng đàn bò là 220.000 con, tăng 67.632 con so với năm 2013, tập trung tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Tổng đàn gia cầm là 6.200 nghìn con, tăng 1.054 nghìn con so với năm 2013.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp: Trồng rừng mới 50 ha; quản lý, bảo vệ rừng 3.693 ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 1,56%.

Đã xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị 08 sản phẩm chủ lực gồm: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, bò, heo và tôm biển.

Những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện đề án đã góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre hiện nay. Kết quả đạt được nêu trên là do sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân và doanh nghiệp từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án gặp một số hạn chế như: Việc triển khai thực hiện Đề án còn gặp khó khăn trong định hướng đối tượng sản xuất cho người dân; các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ chưa thật sự chặt chẽ, nông dân chưa liên kết tốt trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm; nhận thức của nhân dân về chủ trương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế; kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chuyển biến nhưng chưa mạnh, hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp chưa thật sự ổn định; phần lớn sản xuất còn quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn; vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Kế thừa những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện và nhằm khắc phục những hạn chế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.  

Hai là, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên kết gắn với thị trường tiêu thụ. Tổ chức lại sản xuất thông qua vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung đảm bảo cung cấp sản phẩm, nguyên liệu ổn định theo nhu cầu thị trường.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao. Chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với thông tin thị trường, giá cả sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu một số nông sản chủ lực của tỉnh.

Bốn là, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Năm là, hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã; nâng cao năng lựuc quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sáu là, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xúc tiến thương mại; thu thập, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm đã có thương hiệu.

Bảy là, xây dựng và triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung (nuôi tôm 2 giai đoạn) và phát triển kinh tế vườn.

Tám là, triển khai thực hiện đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Chín là, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, nhất là cải cách thủ tục đầu tư; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao và vốn đầu tư lớn vào nông nghiệp./.

________________________________________

Tài liệu tham khảo:
Báo cáo tổ chức triển khai thực hiện Đề án số 6227/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020.

Tin khác