Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 18:39

Học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội - hòn đá tảng cho xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người

ThS.  Nguyễn Trần Phương Hiền
Viên chức khoa Lý luận cơ sở
 

Nhân kỷ niệm Ngày sinh C.Mác (5/5/1818), là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm trân trọng đối với C.Mác – một trong những nhà tư tưởng vĩ đại, nhà khoa học, nhà cách mạng lỗi lạc về lý luận, về tổ chức, về đấu tranh thực tiễn. Người thầy vĩ đại của những người cộng sản, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại tiến bộ. Người đã cùng Ph.Ăngghen xây dựng nên hệ thống lý luận khoa học và cách mạng để nhận thức và cải tạo thế giới.

Hơn hai thế kỷ đã đi qua, với biết bao biến thiên của lịch sử, những cống hiến vĩ đại của C.Mác, giá trị tư tưởng C.Mác luôn bị các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị chống phá, xuyên tạc và phủ nhận. Đặc biệt, là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội với tư cách là hòn đá tảng của học thuyết Mác.

Nhiều quan điểm khác nhau phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, nhưng điểm chung của những quan điểm này đều phủ định tính khách quan của quy luật xã hội, cho rằng thực tiễn ngày nay có nhiều đổi thay như: Toàn cầu hóa; khoa học công nghệ có bước tiến nhảy vọt; internet vạn vật; chiến tranh cục bộ, xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc; biến đổi khí hậu, dịch bệnh… tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi nên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là lỗi thời, sai lầm. Bằng các luận cứ về mặt lý luận khoa học, về mặt thực tiễn và về thực tế lịch sử, tác giả bài viết khẳng định tính đúng đắn của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội.

  1. Về mặt lý luận khoa học

Một là, các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác bắt đầu từ phủ định tính khách quan của quy luật xã hội.

Để khẳng định cơ sở khoa học của quy luật xã hội và quy luật tự nhiên đều tồn tại khách quan và có thể nhận thức bởi con người. C.Mác và Ph.Ăngghen bắt đầu từ những học thuyết triết học trong lịch sử tư tưởng của nhân loại mà trực tiếp chính là triết học cổ điển Đức. Chính triết học cổ điển Đức đã đặt vấn đề về phương thức phát triển của xã hội loài người và đã giải quyết chưa triệt để làm cơ sở lý luận trực tiếp cho C.Mác và Ph.Ăngghen phát triển học thuyết hình thái kinh tế - xã hội làm cho nó khoa học hơn, duy vật hơn và duy nhất đúng đắn.

Các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội đều có cơ sở chung, đó là tính thống nhất vật chất của thế giới. Bản thân con người và xã hội loài người, xét đến cùng chỉ là một bộ phận của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, các quy luật chỉ được hình thành, vận động, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Con người không tự tiện xóa bỏ quy luật mà chỉ thông qua hoạt động thực tiễn của mình con người có thể làm cho quy luật diễn ra nhanh hoặc chậm hơn. Bởi lẽ, giữa quy luật xã hội và quy luật tự nhiên khác nhau ở chỗ chúng mang tính xu hướng, quy luật xã hội phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người mới bộc lộ, con người có ý thức, tình yêu, lòng căm thù, lợi ích,… việc nhận thức, kiểm nghiệm các quy luật xã hội khó khăn, phức tạp hơn các quy luật tự nhiên và tất nhiên không có nghĩa là con người không thể nhận thức được.

Hai là, các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác cho rằng, với sự phát triển của trí tuệ, khoa học, công nghệ mới là tiêu chí, là động lực cho sự vận động, phát triển của xã hội.

Chính thực tiễn phát triển của lịch sử loài người không thể tách trí tuệ, khoa học, công nghệ ra khỏi sản xuất vật chất và nếu thiếu sản xuất vật chất, trí tuệ, khoa học, công nghệ không thể phát triển được. Vì vậy, quan điểm coi sản xuất vật chất là nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội; biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là nền tảng cho sự vận động, phát triển xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen là không hề sai lầm và lỗi thời.

Ba là, các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đồng nhất học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận.

Trong quá trình con người lao động sản xuất, quan hệ sản xuất đóng vai trò chi phối và linh hồn của quan hệ sản xuất lại quyết định quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Theo một lôgic nội tại đi từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần; từ đời sống kinh tế đến đời sống chính trị; từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất; từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng và sự tác động trở lại của sản xuất tinh thần đến sản xuất vật chất; của chính trị đối với kinh tế; của kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng. Đây là yếu tố khác nhau cơ bản giữa học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác và thuyết quyết định luận.

2. Về mặt thực tiễn

Các luận điểm xuyên tạc học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác thường tập trung, tô đậm vào cái gọi là “quy luật chung”, “con đường chung” mà tất cả các dân tộc dù trong điều kiện lịch sử nào, cũng nhất thiết phải đi theo.

Thực tế cho thấy, dòng chảy của lịch sử nhân loại vẫn diễn ra theo sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Hình thái kinh tế - xã hội phong kiến ra đời từ hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa ra đời từ hình thái kinh tế - xã hội phong kiến và từ trong lòng của chủ nghĩa tư bản ra đời chủ nghĩa xã hội. Các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vì cho rằng chủ nghĩa tư bản là cuối cùng, là đỉnh cao phát triển của nhân loại.

Chính bước chuyển từ thủ công nghiệp phường hội lên công trường thủ công, rồi từ công trường thủ công lên nền đại công nghiệp, cùng sự phân công lao động và nhu cầu trao đổi do lực lượng sản xuất phát triển, kết quả là những xiềng xích phong kiến đã bị đập tan nhường chỗ cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và ngay trong lòng của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã xuất hiện các điều kiện, tiền đề kinh tế, vật chất chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội.

Điều này diễn ra một cách lịch sử - tự nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới những sự thay thế này là do những mâu thuẫn bên trong lòng của mỗi hình thái kinh tế - xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, khi những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ cho ra đời một hình thái kinh tế - xã hội mới. Quá trình này diễn ra không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của con người.

  1. Về mặt lịch sử

Tính lịch sử trong sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội chỉ ra rằng, sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội diễn ra một cách khách quan nhưng gắn liền với những điều kiện lịch sử - cụ thể, với tính chất kinh tế - xã hội của từng quốc gia dân tộc. Do các điều kiện lịch sử, văn hóa truyền thống, chính trị nên ở mỗi quốc gia sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội có thể diễn ra tuần tự từ thấp lên cao hoặc “bỏ qua” một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội trong trật tự phát triển của mình. Điển hình là Autralia, các quốc gia Mỹ La tinh đều bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội phong kiến trong quá trình phát triển của mình và việc bỏ qua này cũng không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, mà do điều kiện lịch sử khách quan quy định. Nếu như cùng một hình thái kinh tế - xã hội phong kiến nhưng đặc trưng của Châu Âu là phân quyền thì phong kiến phương Đông là tập quyền. Rõ ràng việc “bỏ qua” một hình thái kinh tế - xã hội nào đó trong trật tự phát triển của một quốc gia là không thể tùy tiện, mà phải tuân theo quy luật khách quan.

Xét từ lý luận hay từ lịch sử và thực tiễn, thì học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác không hề sai lầm, lỗi thời. Dù các quan điểm phủ định xuyên tạc hoặc cố tình bôi đen triết học Mác - Lênin thì sự thật ấy vĩnh viễn không thể thay đổi.

Vận dụng lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vào Việt Nam, phát triển theo hình thái kinh tế - xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, phù hợp quy luật phát triển, Việt Nam hoàn toàn có thể đi tắt đón đầu trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Đồng thời, lý luận này luôn được bổ sung, phát triển để phù hợp với điều kiện thực tiễn mới bởi những người mácxít chân chính.

Một là, Việt Nam lựa chọn con đường phát triển theo hình thái kinh tế - xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, phù hợp quy luật phát triển của nhân loại, mặc dù Việt Nam với xuất phát điểm thấp về kinh tế. Tuy nhiên, trên nền tảng của lực lượng sản xuất hiện đại, chúng ta đã từng bước phát triển quan hệ sản xuất phù hợp. Đồng thời, từng bước cải tạo kiến trúc thượng tầng phù hợp với quan hệ sản xuất mới.

Hai là, xuất phát từ một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến đi lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, Việt Nam phải đánh đổ triệt để những lực cản từ tàn dư của xã hội phong kiến, chủ nghĩa thực dân trong kiến trúc thượng tầng. Đó là những thói quen, truyền thống lạc hậu, tư tưởng đặc quyền, đặc lợi, gia trưởng, cục bộ địa phương, trọng nam, khinh nữ,… ngăn cản sự tiến bộ. Chúng ta không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đây là loại giặc thứ hai cùng thực dân, đế quốc và chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tư sản.

Ba là, Việt Nam chú trọng phát triển khoa học, công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất. Đây cũng là đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Là nước đi sau nên Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển lực lượng sản xuất hiện đại bằng việc kế thừa các nước đi trước.

Có thể nói, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã tạo ra bước đột phá trong toàn bộ quan điểm về xã hội loài người, trang bị phương pháp luận khoa học để phân tích, làm rõ quá trình hình thành, vận động và phát triển của lịch sử loài người. Cơ sở khoa học của học thuyết này cho đến nay qua thử thách của thực tiễn và thời gian vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác về lịch sử.

Với tinh thần khoa học và khách quan, chúng ta cần nghiên cứu, làm rõ những giá trị mang tính khoa học – thực tiễn bền vững làm cơ sở cho phương pháp luận và nhận thức đúng đắn, phù hợp về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Sứ mệnh của chúng ta là tiếp tục lan tỏa học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác trên tinh thần một học thuyết khoa học, cách mạng và phát triển – hòn đá tảng cho xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người./.

Thông tin phản bác: 

Tin khác