Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 08:34

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin - giá trị lịch sử và hiện thực đối với Việt Nam trong thời kỳ mới

ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với thời đại ngày nay. Học thuyết không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Xôviết, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh vệ quốc, mà còn là cơ sở lý luận khoa học cho đường lối, học thuyết quân sự, quốc phòng, an ninh của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới.

V.I.Lênin đã kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về bảo vệ thành quả cách mạng. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, dưới chế độ bóc lột “công nhân không có tổ quốc1. Tuy nhiên họ không thờ ơ trước vận mệnh của đất nước mình, muốn có Tổ quốc xã hội chủ nghĩa “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc2.

Từ tư tưởng trên của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vận dụng trong điều kiện lịch sử mới của nước Nga, Người khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, … cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt3. Người đã tiên đoán về khâu yếu của chủ nghĩa đế quốc khiến cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và giành thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở nước tư bản lạc hậu nhất để hình thành nên Tổ quốc xã hội chủ nghĩa “chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói4. Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời, trong đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga là những người làm chủ của Tổ quốc. Tổ quốc theo V.I.Lênin “nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội5. Từ thực tế của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin nhận ra rằng: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ6.

Vì vậy, V.I.Lênin đã cảnh báo trước cho Đảng Bônsêvích Nga, cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động Xôviết rằng, giai cấp vô sản sau khi đã nắm được chính quyền phải sẵn sàng đối phó với chính phủ các nước tư sản sẽ tập hợp mọi lực lượng chống lại cuộc cách mạng của công nhân, nông dân và binh sĩ Nga. Giai cấp vô sản phải tổ chức quần chúng lao động sẵn sàng tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ chống các nước đế quốc xâm lược. Người khẳng định: “Kể từ ngày 25 Tháng Mười năm 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xôviết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội7. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước tiên là bảo vệ đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất và triệt để nhất những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà điểm mấu chốt là bảo vệ Chính quyền Xôviết, bảo vệ Đảng Bônsêvích, bảo vệ chế độ dân chủ vô sản trở thành nhân tố quan trọng, quyết định sự tồn tại của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong đó “bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa phải đặt cao hơn hết cả”8. Người nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đấu tranh có tính chất lịch sử chống giai cấp tư sản thế giới là giai cấp hiện đang mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Trong thời kỳ đấu tranh như thế, chúng ta phải bảo vệ công cuộc xây dựng cách mạng, phải đấu tranh chống giai cấp tư sản bằng quân sự và nhất là bằng đấu tranh tư tưởng, bằng giáo dục để cho những tập quán, những thói quen, những niềm tin mà giai cấp công nhân đã rèn đúc được trong hàng chục năm đấu tranh giành tự do chính trị, để cho toàn bộ những tập quán, thói quen và tư tưởng đó biến thành công cụ giáo dục toàn thể những người lao động9, “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được... giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình10.

V.I.Lênin chỉ ra lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là: “Tất cả các lực lượng của nhân dân đều phải được động viên cho cuộc chiến tranh đó. Cả nước phải trở thành một mặt trận cách mạng11, và “thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường12... Với những tư tưởng đó, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã lãnh đạo, tổ chức sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới xây dựng và củng cố quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận. Người khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà13. Người thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Hồng quân vững mạnh, tăng cường khả năng quốc phòng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới. Người nhấn mạnh “hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơi là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”14.

Bên cạnh đó, V.I.Lênin đã định ra cho những người cộng sản và chính quyền nhà nước của giai cấp vô sản những tư tưởng hết sức quan trọng như: Vai trò của hậu phương xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc; đoàn kết và phát huy vai trò của các lực lượng quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại, của mặt trận ngoại giao, của văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào công cuộc bảo vệ tổ quốc. Muốn thắng lợi hoàn toàn và triệt để, còn phải lấy tất cả những cái gì quý báu của chủ nghĩa tư bản, phải lấy toàn bộ khoa học và văn hóa,… phải học tập nhà nông học tư sản, nhà kỹ sư tư sản,… để nắm vững những thành quả văn hóa của họ15.

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin không chỉ củng cố và tăng thêm tính hoàn bị, trường tồn của chủ nghĩa Mác mà còn có giá trị chỉ đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Xôviết trong suốt những thập niên từ những năm 20 đến những năm 90 của thế kỷ XX. Nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của cả một hệ thống tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Tuy chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhưng những giá trị tư tưởng lớn trong học thuyết của V.I.Lênin vẫn không bị suy giảm mà ngày càng khẳng định tính đúng đắn, cách mạng và khoa học của những vấn đề chủ yếu thuộc nguyên tắc và quan điểm cơ bản về bảo vệ tổ quốc mà V.I.Lênin đã xác lập.

Trong thời đại hiện nay, những giá trị tư tưởng ấy đã phát huy tác dụng to lớn của nó trong đời sống chính trị, xã hội của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Tại Việt Nam, trung thành và vận dụng phát triển sáng tạo học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là yêu cầu khách quan, vấn đề mang tính quy luật, nhờ đó Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục xác định “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước16 đã đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhận thức mới về nội hàm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không chỉ chú trọng đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, mà còn gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,… “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa17. Bên cạnh đó, Đảng đã bổ sung, phát triển quan điểm về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới thông qua tại Đại hội XII của Đảng “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới18 gắn với “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định19. Quan điểm đã thể hiện bước tiến trong tư duy lãnh đạo của Đảng theo hướng toàn diện, sâu sắc hơn về hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu của việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời cũng biểu thị rõ quyết tâm của Đảng trong xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bảo vệ vững chắc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là mục tiêu chung, rộng lớn, cần có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta - một đảng mác xít chân chính của giai cấp công nhân và dân tộc ta. Theo học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin và theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tăng cường “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức20. Luôn khẳng định nhất quán những nguyên tắc chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng và Nhà nước, của hệ thống chính trị và của toàn dân, toàn quân góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Gần 35 năm đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nên cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, bốn nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng cũng như sự ổn định của chế độ chính trị. Vì vậy, vấn đề chống quan liêu, tham nhũng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được xem là nội dung, yêu cầu đặc biệt quan trọng của vấn đề xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Song trong quá trình hợp tác, đầu tư, nhiều thủ đoạn kẻ thù được ẩn náu, che đậy trong các quan hệ kinh tế làm cho chúng ta khó nhận dạng. Nhằm tránh những hậu quả gây nguy hại cho Tổ quốc cần giữ vững hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường sức mạnh, khả năng ngăn ngừa, đẩy lùi, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh nếu xảy ra góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, quán triệt sâu sắc tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo trong xây dựng, củng cố quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh./.

 

Chú thích:

1,2 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t. 4, tr. 623, 623-624.

3 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, t. 4, tr. 232.

4 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1980, t. 26, tr. 447.

5, 6, 11 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 37, tr. 145, 145, 471.

7 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 36, tr. 102.

8, 13 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 35, tr. 300, 480-481. 

9,12 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 41, tr. 475, 147.

10,15 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 38, tr. 165-166, 72.

14 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2005, t. 44, tr. 368-369.

16 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, H. 1987, tr. 38.

17 Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, BCHTW Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2003, tr. 45-46.

18, 19, 20 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 145, 9, 47.

Tin khác