Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 10:33

Giá trị về hai từ “nên làm” trong tác phẩm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ThS. Nguyễn Thị Yến
Nguyên Trưởng khoa NN&PL
 

Bài báo Dân vận còn gọi là tác phẩm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15/10/1949, cách đây 71 năm dưới bút danh X.Y.Z. Để nói đúng giá trị lịch sử của tác phẩm, tính hiện thực, thời sự và khoa học nhiều tác giả, bài viết, bài nói đã dùng nhiều ngôn từ để phân tích những giá trị của tác phẩm này. Với sự chắc lọc rất tinh tế, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo. Chỉ với 612 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn cho bất cứ ai là cán bộ, là công bộc của dân đều hiểu để thực hiện công tác dân vận cho đúng.

Qua tác phẩm, mỗi đoạn, phần, dòng, câu chữ đều dẫn người đọc tùy trách nhiệm công tác mà nghiền ngẫm, thực thi cho đúng. Tác phẩm này Người không chỉ dành cho người làm công tác dân vận mà dành cho tất cả những ai làm công việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân đều phải hiểu đúng, hiểu thấu. Đặc biệt khi giải nghĩa Dân vận là gì? Người chỉ rõ:

“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho.”.

Với khái niệm dân vận là gì đã chỉ ra nhiều điều về công tác dân vận là như thế nào, trong đó phải hiểu rõ gốc từ dân vận bao hàm mục đích, ý nghĩa, đối tượng để vận. Một khi đã vận phải động, tức là bằng mọi phương pháp tùy vào điều kiện của mỗi cá nhân, bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, uy tín để tập hợp, thu hút lực lượng Nhân dân đoàn kết, hợp lực nhau thành một khối thống nhất. Trong khái niệm Người cẩn thận chỉ ra bằng từ mỗi một và nhấn mạnh không bỏ sót một người dân nào. Điều này cho thấy đã là dân, những người sống trên dải đất của Tổ quốc, cùng thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì phải vận động, không phân biệt dân tộc, tôn giáo… việc làm này không đơn giản mà phải “khéo”, thật “khéo”. Do vậy việc này đòi hỏi người thực hiện phải có quyết tâm cao, nhiệt tình, nhạy bén… nhất là nắm tâm lý, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của dân  để vận cho bằng được.

Vận động, tập hợp là điều kiện cần, thì làm gì, làm thế nào và làm có chất lượng, hiệu quả chính là điều kiện đủ của người làm dân vận. Người dạy: Vận xong phải thực hành, cũng có nghĩa là bắt tay vào việc, là làm. Trọng trách này Bác chỉ rõ là việc của Chính phủ và Đoàn thể. Với Người, làm dân vận, phục vụ dân… đòi hỏi phải có lòng tin của dân, từ đó mọi việc, muôn việc  mới thành công. Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, chính nhờ vào sức mạnh và sự trung thành tuyệt đối của Nhân dân cho nên Đảng ta, Nhân dân ta hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng vẻ vang như cách mạng Tháng Tám, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… để đưa đất nước độc lập, thống nhất. Trong từng giai đoạn cách mạng ta vừa chống thù trong, giặc ngoài và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Người từng dạy:

Dễ mười lần không dân cũng chịu

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Một trong những yêu cầu cần có của người làm dân vận phải đề cao tư tưởng trọng dân, đây vừa là giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và luôn tồn tại với thời gian. Khi trọng dân trước hết phải biết nắm dân, hiểu dân, thương yêu dân, mến dân, học dân. Nước ta là nước dân chủ, cho nên mọi việc phải đáp ứng được yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.  Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1).  

Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho”. Với người thực thi nhiệm vụ, việc được giao của Chính phủ và đoàn thể rất rõ ràng, cụ thể chỉ dựa vào những phân công của lãnh đạo để làm và làm hiệu quả. Song hai từ như Bác nêu: “nên làm” là rất đắc và sâu sắc vô cùng trong khái niệm dân vận, với người làm dân vận nên suy vấn và cố thực hiện, vì sao?

- Chỉ người có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc mới tìm việc để làm, không chờ lãnh đạo phân công, giao việc.

- Ý thức của người cán bộ, công bộc phục vụ Nhân dân phải luôn: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Đó là bằng trách nhiệm người phục vụ Nhân dân phải luôn định ra cách làm hay, làm tốt, tiết kiệm, hiệu quả và dân tin.

- Khi thấm sâu từ “nên làm”, trong mọi việc khi thi hành đều xuất phát từ tâm của người thực hiện, vì họ biết tìm việc, nghĩ đến việc để làm cho nên không nghĩ đến lợi ích cá nhân, chỉ đề cao lợi ích của tập thể, của Nhân dân.

- Người cán bộ, công bộc phục vụ nhân dân khi đã quyết tâm thực hiện “nên làm” sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với thử thách, khó khăn để vươn lên.

Hiện nay, Từ “nên làm” trong khái niệm dân vận cần được cổ xúy rộng rãi để mỗi người trong guồng máy của hệ thống chính trị, của những người chuyên tâm phục vụ Nhân dân phải tìm việc để làm, phải nghĩ suy giải pháp, sáng kiến, phải năng động, linh hoạt không chỉ ngồi chờ giao việc một cách thụ động.

Trong tiến trình xây dựng đất nước, Việt Nam ta có rất nhiều tấm gương đã thực hiện tốt việc nên làm như lời Bác dạy. Đó là Kim Ngọc (1917-1979) nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, ông được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” mà người ta quen gọi là “khoán mười”, “cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp” ở Việt Nam.

Với Bến Tre có đồng chí Nguyễn Văn Chơi (còn gọi là ông Sáu Đấu), sinh năm 1940. Trước năm 1975, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú. Sau giải phóng được chuyển về làm Trưởng phòng Tài chính, đến năm 1979 được điều về làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh lần thứ 2. Đồng chí là người ra chủ trương trồng hàng cây sao, dầu trên con đường dài hơn 3km dẫn vào trung tâm xã. Mặc dù Nhân dân địa phương lúc đầu chưa hiểu hết việc đồng chí làm nên đã chống đối bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng với sự quyết tâm, trách nhiệm cao, đồng chí thấy đây là việc nên làm và phải làm nên bằng nghệ thuật dân vận đồng chí đã thuyết phục Nhân dân đồng thuận thực hiện. Hiện nay, đồng chí đã mang lại con đường xanh mát, rợp bóng và hàng cây xanh này là một trong những niềm tự hào của Nhân dân xã Phú Khánh.

Nghiên cứu từ khái niệm Dân vận trong tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta học được nhiều điều để vận động Nhân dân một cách hiệu quả. Điều này đặt lên vai mỗi người trong đó có cả Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các sở, ngành... cùng thực hiện và thực hiện cho khéo.

Với Trường Chính trị Bến Tre, giảng viên khi thực hiện báo cáo các chuyên đề, bài giảng liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dân; về công tác Dân vận... cần tham khảo và nghiên cứu sâu Bài báo dân vận của Bác. Chú ý từng nội dung cơ bản, từng từ ngữ, câu chữ và phải viện dẫn, giải mã được quan điểm, yêu cầu của Bác khi nói về dân vận. Một bài giảng về Công tác dân vận thành công còn hướng người học cách làm, làm hay, hiệu quả. Do vậy giảng viên cần nắm đối tượng người học, bám vào thực tiễn của học viên trong lĩnh vực công tác của họ để liên hệ cho sát. Mỗi chúng ta khi giảng cũng phải biết vận họ là biết làm đúng những việc tại đơn vị, địa phương giao phó, bên cạnh đó luôn suy nghĩ, tìm cách làm tốt, hiệu quả cao để đảm bảo hiệu quả không chỉ hoàn thành những gì cấp trên giao mà phải vượt mức, vượt chỉ tiêu… Những điều này chưa đủ để phục vụ giảng về dân vận cho tốt, song xuất phát từ khái niệm của hai từ “nên làm” trong tác phẩm dân vận, đòi hỏi sự chuyên tâm và trách nhiệm cao của người thực hiện giảng về dân vận trong tình hình hiện nay./.

 

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 518

Tin khác