Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 10:34

Góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

ThS. Nguyễn Phước Tuân
                                                      Phó Trưởng Phòng TC, HC, TT, TL
 

 Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, thời gian qua, Trường Chính trị Bến Tre luôn chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập, nhất là nghiên cứu học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trường Chính trị Bến Tre luôn chú trọng đổi mới theo hướng giảng dạy nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật kiến thức về nghiệp vụ, kỹ năng, vận dụng sáng tạo, tăng cường liên hệ thực tiễn; đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương tiện hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu; đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả học tập. Đặc biệt là chú trọng khâu quản lý như tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị; tập trung hoạt động quản lý học viên, nâng vai trò và trách nhiệm, hiệu quả quản lý học viên của giáo viên chủ nhiệm…

Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa học viên và nhà trường. Để lớp học nền nếp, học tập tốt, rèn luyện tốt, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, giáo viên chủ nhiệm phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị Bến Tre quy định rõ nhiệm vụ của chủ nhiệm lớp:

1. Giúp Ban Giám hiệu, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học quản lý lớp học;

2. Chuẩn bị, quản lý hồ sơ lớp học;

3. Quản lý, điều hành quá trình học tập, rèn luyện của học viên theo đúng quy chế, quy định;

4. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình mọi mặt của lớp, học viên với Ban Giám hiệu, Hội đồng xét tốt nghiệp.

Trong thời gian qua, Trường Chính trị Bến Tre đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng biến “quá trình đào tạo” thành “quá trình tự đào tạo”, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất”, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý học viên của giáo viên chủ nhiệm.

Để thực hiện tốt chủ trương của nhà trường đề ra, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý những phương diện cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo lớp học ổn định và được tổ chức chặt chẽ, đây là yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Với đối tượng học viên là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp trước hết phải phát huy vai trò tự quản của học viên, với các cấp độ tự quản phù hợp như hoạt động của Ban Cán sự lớp, các tổ học tập... Tuy nhiên, không vì thế mà tuyệt đối hóa vai trò của hoạt động tự quản bởi đây là nguyên nhân chủ quan của những biểu hiện lỏng lẻo, thiếu kỷ luật, kỷ cương thường thấy trong các lớp học. Thực tế cho thấy, bên cạnh những nỗ lực tự quản của lớp học luôn cần có sự định hướng, chỉ đạo của nhà trường, trong đó giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng như một “mắt khâu” truyền tải những định hướng, chỉ đạo của Trường tới lớp học, giúp giải quyết những khó khăn mà lớp học không tự giải quyết được hoặc giải quyết không hiệu quả. Do đó, sự quản lý, tổ chức, theo dõi, giám sát của nhà trường với đại diện chính thức là giáo viên chủ nhiệm lớp là yếu tố quan trọng.

Thứ hai, công tác chủ nhiệm góp phần tăng cường hiệu quả giảng bài của giảng viên, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Nếu công tác quản lý lớp tốt, học viên ý thức được ý nghĩa của việc đến lớp nghe giảng thì người học sẽ đến lớp học với thái độ tích cực và tự giác như: chăm chú nghe giảng và ghi chép đầy đủ, cẩn thận; tích cực tham gia ý kiến xây dựng bài, tạo một không khí học tập sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Đây là “liều thuốc kích thích” rất tốt đối với người giảng viên trong giờ giảng, khi đó giảng viên sẽ dồn hết tâm huyết, sự nhiệt tình cùng toàn bộ vốn kiến thức được tích luỹ để truyền đạt cho học viên. Những tiết giảng đạt chất lượng tốt đó là những tiết giảng đạt được cảm hứng cao trong giảng dạy và học tập cả từ phía giảng viên và học viên; đây là cảnh giới cao nhất của quá trình dạy và học. Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm là người có điều kiện tốt để trực tiếp nắm bắt những ý kiến phản hồi từ phía học viên đối với chất lượng bài giảng giảng viên, giúp cho giảng viên có được những thông tin quan trọng để điều chỉnh bài giảng của mình ngày càng chất lượng hơn.

Thứ ba, chủ nhiệm lớp là người trực tiếp tổ chức, triển khai thực hiện các nội quy, quy chế học tập, giảng dạy của nhà trường đối với lớp học và với từng học viên. Trong thực tế, tự bản thân nội dung của nội quy, quy chế… không tự mình tạo nên một trật tự quản lý trong lớp học, vì học viên cũng chưa tự giác cao trong việc nghiên cứu nắm chắc và tự giác thực hiện; cho nên chủ nhiệm lớp cần bám sát lớp, nhắc nhở, kiểm tra một cách thường xuyên việc tuân thủ và thực hiện nội quy, quy chế. Mặc dù ngay từ buổi đầu khai giảng, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đã sinh hoạt rất kỹ nội quy, quy chế đến học viên và được đăng trên trang web Trường Chính trị Bến Tre, song học viên vẫn có trường hợp chưa nắm rõ quy chế. Vì thế, có những trường hợp cùng một khung quy chế quản lý như nhau nhưng ở lớp này thực hiện tốt, lớp khác chưa tốt. Hiện tượng đó có thể lý giải từ một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng đó là năng lực tổ chức quản lý lớp của từng cá nhân người chủ nhiệm lớp.

Thứ tư, chủ nhiệm lớp là người sâu sát, quan tâm đến đời sống sinh hoạt và học tập của học viên, là cầu nối giữa học viên với giảng viên và nhà trường. Học viên trung cấp lý luận chính trị là cán bộ đang công tác nên khi tham gia học sẽ phải đối mặt với những khó khăn từ nhiều góc độ khác nhau như: hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo vai trò chủ gia đình, xử lý các mối quan hệ xã hội… Do đó, trong thời gian đi học, để học tập và rèn luyện tốt, học viên rất cần sự quan tâm của nhà trường và chủ nhiệm lớp về nhiều phương diện khác nhau trong học tập, công tác và đời sống. Chỉ khi có sự quan tâm, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ của chủ nhiệm lớp đối với học viên, đặc biệt là giúp học viên tháo gỡ những khó nhăn, vướng mắc để học viên an tâm đến lớp thì công tác quản lý lớp mới đạt hiệu quả tối ưu. Khi đó nhiệm vụ quản lý học viên của chủ nhiệm lớp sẽ được nhẹ nhàng hơn và được đảm bảo bởi ý thức tự giác của học viên trong việc thực hiện những nghĩa vụ của người đi học mà không phải là sự gò ép, bắt buộc bằng phương pháp mệnh lệnh hay ép buộc. Với tâm thế ấy, học viên sẽ học tốt.

Để thực hiện tốt vai trò chủ nhiệm trên những phương diện nêu trên và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chủ nhiệm lớp, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

- Lựa chọn, phân công giảng viên làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp phải phù hợp với đặc điểm, tình hình, đối tượng học viên của lớp học.

- Thường xuyên quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình chủ nhiệm lớp; định kỳ tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác chủ nhiệm lớp để học tập, rút kinh nghiệm; kết hợp biểu dương khen thưởng giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời kịp thời góp ý, phê bình, chấn chỉnh những trường hợp chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

- Đối với giáo viên chủ nhiệm:

+ Phải nắm chắc từng nội dung quy định về quản lý học viên được ban hành trong các nội quy, quy chế của nhà trường và sinh hoạt trong học viên. Cần chú ý: phải chuyển tải nội dung những quy định nêu trên đến từng thành viên của lớp với phương châm từng thành viên đảm bảo am hiểu và chấp hành tự giác - điều này phải được thể hiện trước tập thể lớp và phải được xem là sự cam kết của 100% học viên của lớp. Các hoạt động này cần nhanh chóng được thiết lập ngay từ đầu khóa học vì theo kinh nghiệm cho thấy việc sớm ổn định lớp và công tác quản lý lớp được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ đầu khóa học nhất định mang lại hiệu quả quản lý cao.

+ Chủ nhiệm lớp phải nắm chắc đối tượng học viên theo hướng chia sẻ, giúp đỡ, đến khi cần thiết kịp thời động viên, hỗ trợ giúp học viên nhanh chóng vượt qua khó khăn trong học tập và rèn luyện. Đây thực sự là công việc khó đòi hỏi sự kỳ công và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, do thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, chủ nhiệm lớp không thể nắm từng đối tượng học viên được, vì vậy cần gắn kết với Ban Cán sự lớp để nắm tình hình chung; nắm rõ thành viên tích cực, thành viên còn những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện, có biểu hiện chưa tuân thủ quy định, quy chế, những trường hợp cá biệt để có biện pháp tác động phù hợp, biểu dương đối tượng tích cực và góp ý, nhắc nhở đối tượng còn hạn chế. Cách nhắc nhở cũng cần có biện pháp tế nhị, vừa nhắc chung chung trên lớp, vừa có thể gặp riêng trao đổi.

+ Giáo viên chủ nhiệm tăng cường thực hiện công tác phối hợp với khoa, phòng, giảng viên, đặc biệt là Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyên viên Phòng được phân công quản lý lớp. Khi đó chủ nhiệm lớp sẽ có được thông tin đầy đủ để nhìn nhận một cách tổng quát, đúng đắn và sâu sắc nhất đối với tình hình học tập và rèn luyện của lớp, đó là cơ sở để chủ nhiệm lớp lựa chọn những nội dung cần tác động nhằm giúp cho quá trình học tập và rèn luyện của lớp đạt hiệu quả tốt nhất.

+ Giáo viên chủ nhiệm lớp phải duy trì chế độ sinh hoạt lớp; đây là yếu tố cần thiết và là nhiệm vụ bắt buộc của công tác chủ nhiệm lớp. Thông qua họp lớp kịp thời truyền đạt và quán triệt các nội dung, các quan điểm chỉ đạo mới của nhà trường, nhắc nhở việc thực hiện nội quy, quy chế; kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình học tập và rèn luyện của lớp, sớm phát hiện những vấn đề phát sinh mà chấn chỉnh, tháo gỡ, không để vướng mắc kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập (chất lượng đào tạo) nói chung trong đó đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới./.

Tin khác