Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 18:56

Di tích cấp quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ góp phần phát triển loại hình du lịch tâm linh tại thành phố Châu Đốc (An Giang)

Nguyễn Thị Mai Trâm
Tập sự giảng viên Khoa Dân vận

Thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang, có 16 km, biên giới giáp Campuchia. Với 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, gồm: Tịnh Biên, Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú). Châu Đốc là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và các nước Đông Nam Á bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Châu Đốc nổi danh với vẻ đẹp của dãy Thất Sơn hung vĩ, còn được biết đến là thành phố thơ mộng bên dòng sông Hậu - một nhánh của sông Mê Kông. Với vị trí “tiền tam giang, hậu thất sơn hùng vĩ”, Châu Đốc có đến 6 di tích cấp quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Chùa Phước Điền, Chùa Tây An, Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Đình Thần Châu Phú và Đình Thần Vĩnh Ngươn cùng nhiều danh thắng nổi tiếng khác như Ngã ba sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, Pháo đài núi Sam,…từ những danh thắng, di tích, Châu Đốc có nhiều ưu thế để phát triển ngành du lịch.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Châu Đốc lần XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn thành phố  Châu Đốc. Theo đó đến năm 2020, du lịch sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, loại hình du lịch tâm linh góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành du lịch tại địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản số 2468/QĐ-BVHTTDL ngày 19 tháng 7 năm 2010 khi nghiên cứu về loại hình du lịch tâm linh đã nêu rõ “Nghiên cứu và phát triển loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh”. Cho thấy rằng, Nhà nước ta hiện nay đã và đang chú trọng hơn về loại hình du lịch này.

Bên cạnh đó, “du lịch tâm linh” cũng được các nhân vật nổi tiếng phát biểu với nhiều quan điểm:

Theo Trần Quang Đại (Báo Dân Trí, thứ Tư, 18/02/2009): “Tâm linh chính là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người, với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Không nên đơn giản hóa tâm linh là mê tín dị đoan, song cũng không nên “thần bí hóa”, “ghê gớm hóa” khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu, phi thường, coi đó là cứu cánh của nhân loại, của khoa học”.  

Theo tiến sĩ APJ Abdul Kalam, cha đẻ của bom nguyên tử nước Ấn Độ lý luận rằng: “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết tại nhiều địa điểm khác nhau và nhất là những nơi có môi trường văn minh phong phú”[1].

Từ dẫn chứng trên, “du lịch tâm linh” được tóm tắt với nội dung cụ thể như sau:

+ Tín ngưỡng - tâm linh là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với du lịch.

+ Cách tiếp cận, khai thác của các doanh nghiệp trong du lịch tâm linh là khác nhau dẫn đến các sai lệch trong việc tổ chức hoạt động du lịch tín ngưỡng - tâm linh. Vì vậy, cần làm rõ các khái niệm, phân loại các loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh. Từ đó các doanh nghiệp có cơ sở tổ chức các loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh phù hợp.

+ Đánh giá nhu cầu và đưa ra giải pháp để phát triển lành mạnh, ổn định loại hình du lịch tâm linh - tín ngưỡng

+ Có sự phân biệt rõ giữa tín ngưỡng - tâm linh và mê tín dị đoan, không để du lịch tín ngưỡng - tâm linh bị ảnh hưởng hoặc trở thành mê tín dị đoan.

Qua đó, ta thấy ngày nay du lịch tâm linh đang dần trở thành xu hướng của thời đại - thời đại của văn hóa tâm linh - nền văn hóa luôn hướng con người về với chân - thiện - mĩ nếu chúng ta xây dựng và phát triển nó theo chiều hướng tích cực. 

Thành phố Châu Đốc là vùng đất đã và đang phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch tâm linh. Khu di tích nổi bật và thu hút được lượng khách hành hương lớn nhất ở thành phố Châu Đốc, đó là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

Miếu Bà Chúa Xứ được lập vào năm 1820. Theo truyền thuyết, miếu Bà do dân xây dựng để cúng bái vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Lại có truyền thuyết cho rằng, Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây dựng theo lời trăn trối của vợ (bà Châu Vĩnh Tế). Lúc đầu miếu cất bằng tre, lá. Năm 1962, miếu lợp ngói âm dương. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại, năm 1976 công trình mới hoàn thành. Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ "Quốc", có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng có 4 mái hình vuông.

Tượng Bà đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. Đây là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6. Dáng người ngồi nghĩ ngợi, khoan thai, thuộc loại tượng thần Vít-nu, có nhiều ở Ấn Độ, Lào, Campuchia.

Hàng năm, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 23-27 âm lịch. Một bộ phận khách hành hương đến viếng Miếu Bà với lòng tin tưởng về sự thiêng liêng, huyền bí của Bà vì vậy số khách hành hương ngày một đông. Từ một lễ hội mang tính dân dã, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành một trong những lễ hội cấp quốc gia kể từ năm 2001. Trong mùa lễ hội năm 2008, được tổ chức với quy mô cấp quốc gia có tên gọi là “Tuần lễ quốc gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2008”. Trong dịp này, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã trao tặng giấy xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho Ban quản trị lăng miếu núi Sam.

Đặc biệt, năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

Trước kia có nhiều hình thức cúng bái như mê tín, xin xăm, xin bùa, uống nước tắm Bà để trị bệnh…Ngày nay, những hủ tục đó không còn nữa. Đa số khách đến viếng thăm để dâng hương cầu tài, cầu lộc, thể hiện lòng tạ ơn Bà bằng nhiều hình thức: Cúng heo quay, cúng tiền, lễ vật lưu niệm hoặc các tiện nghi phục vụ cho miếu. Các lễ cúng ở miếu Bà vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Vào lúc nửa đêm 23 rạng 24 tháng tư âm lịch, lễ tắm Bà được tiến hành khoảng hơn một giờ đồng hồ nhằm lau sạch bụi sau một năm dài. Lễ được chuẩn bị từ lúc 23 giờ 30 và bắt đầu lúc 0 giờ. Các vị bô lão trong lễ phục áo dài khăn đóng lên đèn, niệm hương, dâng rượu, dâng trà,…Kết thúc phần nghi thức, khoảng 4 đến 5 phụ nữ đứng tuổi, có uy tín trong làng tiến hành việc tắm Bà. Sau khi cởi áo mão, các vị dùng nước sạch có ngâm hoa lài tỏa mùi thơm ngào ngạt để lau cốt tượng, xịt nước hoa, mặc áo mão mới cho Bà. Mặc dù công việc được thực hiện sau bức màn che nhưng có hàng nghìn người chen nhau đến chứng kiến ngoài vòng rào chánh điện.

Lễ túc yết và lễ xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng 26 tháng 4 âm lịch, đây là cuộc lễ chính trong lễ hội vía Bà. Từ đầu hôm, hàng chục ngàn người đã tụ về miếu Bà để được tham dự cuộc hành lễ này. Trước đó, hồi 15 giờ cuộc lễ thỉnh sắc thần được tiến hành trọng thể trong tiếng trống lân rộn rã. Các bô lão và thanh niên trong lễ phục, xếp hai hàng dưới bóng cờ, lộng sặc sỡ, hộ tống long đình rước bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân từ lăng về miếu.

Đúng 0 giờ, cuộc lễ túc yết bái bắt đầu với sự điều khiển của chánh bái và bốn đào thầy. Lễ vật dâng cúng là một con heo trắng đã cạo mổ xong và một dĩa mao huyết tượng trưng cho con heo sống cùng với các mâm xôi, ngũ quả,…trong tiếng nhạc lễ và chiêng trống trỗi lên từng hồi, ông chánh bái và các đào thầy dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, dâng trà. Lễ xây chầu được nối tiếp khi ông chánh bái cầm nhành dương vãi nước và đọc: “Nhất xái thiên thanh, nhị xái địa ninh, tam xái nhơn đường, tứ xái quỉ diệt hình” (nghĩa là thứ nhất vãi lên trên trời xanh mong điều cao đẹp, thứ hai vãi xuống đất cho được màu mỡ, trúng mùa, thứ ba vãi loài người được trường thọ, thứ tư vãi diệt loài quỉ dữ). Xong, chánh bái ca công nổi trống ba hồi. Đoàn hát bộ trên sân khấu trong võ ca trước chánh điện đã chuẩn bị sẵn, nổi trống theo và kéo màn trình diễn.

Đến 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âm lịch, lễ chánh tế được tiến hành như lễ túc yết nhưng đơn giản hơn. 15 giờ cùng ngày đoàn thỉnh sắc làm lễ hồi sắc, đưa bài vị ông Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân trở về lăng, kết thúc một mùa vía.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ không chỉ thu hút khách hành hương trong những ngày tổ chức lễ hội, mà lượng du khách đến vía Bà nhiều nhất trong năm kéo dài gần bốn tháng, từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung và cả du khách nước ngoài,…Phó Chủ tịch Ủy ban  nhân dân thành phố Châu Đốc, ông Trần Quốc Tuấn cho biết: Trong năm 2016 có 4.578.500 lượt du khách đổ về tỉnh An Giang, riêng đến viếng Bà Chúa Xứ là 850.000 lượt khách hành hương. Năm 2017 lượng khách hành hương về Miếu Bà Chúa Xứ tăng hơn mọi năm. Mùa lễ hội tuy mới bắt đầu, nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2017 lượng khách đến tham quan TP. Châu Đốc, viếng Bà Chúa Xứ hơn 1 triệu 400 lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016 [2].

Với số lượng khách đến Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày một đông hàng năm, số tiền công đức phần lớn đều dành cho trùng tu, tôn tạo thêm các di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của địa phương, gia đình chính sách; đóng góp cho quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn…

Tuy nhiên, tại điểm du lịch nổi tiếng cấp quốc gia này vẫn còn tình trạng tiêu cực đã và đang xảy ra mà nạn nhân cuối cùng phải lãnh chịu hậu quả là những khách du lịch hành hương  với những kẻ núp bóng "xin đểu", "móc túi" du khách bằng nhiều chiêu trò mới và độc đáo. Sau khi du khách đi "trả lễ" và cúng Bà xong, thấp thoáng ngoài cổng miếu Bà với hơn chục người dân, chủ yếu là những người phụ nữ, trong tay cầm những tấm thiếp màu vàng. Sau đó, họ giúi vào du khách và bảo rằng: "Lộc Bà cho". Nhiều du khách lơ ngơ, cầm lấy tấm "Lộc" này thì họ liền đòi 50 ngàn đồng với vẻ mặt hung hãn và dữ tợn như sắp ăn tươi nuốt sống "con mồi". Nhiều du khách bỡ ngỡ và hoảng sợ đành cho 50.000 đồng cho đội quân này.

Ngay trước cổng vào miếu Bà, hàng chục đối tượng cò mồi đeo bám du khách đi cúng Bà. Từ những lễ vật bình dân như nhang, đèn, muối gạo, trái cây, trầu cau,…cho đến những hàng cao cấp là heo quay, áo mão cho Bà,…gây mất  trật tự và làm ảnh hưởng vẽ mỹ quan thiêng liêng của khu di tích một cách nặng nề. Ban quản lý khu di tích phối hợp cùng với lực lượng chức năng tại địa bàn đã nổ lực rất nhiều trong việc khắc phục tình trạng này bằng nhiều biện pháp như: Lực lượng bảo vệ của Miếu Bà nếu thấy người đưa đồ cúng, chim phóng sinh…vào khu vực này lập tức đều được phối hợp lực lượng chức năng để xử lý ngay; công an thành phố Châu Đốc cũng đã lắp đặt camera tại các điểm nóng, lập các số đường dây nóng để du khách kịp thời báo tin nếu bị hành hung, trộm cắp tài sản; đối với lãnh đạo công an các phường trọng điểm như Núi Sam, Châu Phú A, Châu Phú B thì chủ động mời những người bán hàng rong,…về trụ sở để tuyên truyền, vận động không nên bán buôn lôi kéo, “chặt chém” gây phản cảm, những người đã vi phạm thì cho làm cam kết không tái phạm, đặc biệt với những ai có hành vi trộm cắp thì lập danh sách theo dõi để quản lý,…Kết quả mang lại khả quan, so với mọi năm, tình hình trật tự tại đây đã cải thiện đáng kể, làm lành mạnh hoá môi trường du lịch, văn hoá tâm linh.

Di tích cấp quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ góp phần phát triển loại hình du lịch tâm linh tại Châu Đốc (An Giang). Đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam nói riêng và các khu di tích thuộc loại hình du lịch tâm linh tại thành phố Châu Đốc nói chung, mộ bộ phận du khách không chỉ đến để nghiên cứu, tìm hiểu, vui chơi mà họ như đang thực hiện một cuộc hành hương về vùng đất thiêng và tìm kiếm nơi trú ngụ bình yên, thanh thản cho tâm hồn. Nơi đây, còn mang lại cho một bộ phận người cảm thấy nhẹ nhàng, tâm an lạc, không tham theo dục vọng thấp hèn của vật chất. Du lịch tâm linh còn mang lại giá trị của tình yêu thương con người thật sự cho chính bản thân cá nhân đó, đồng thời mỗi cá nhân lại mang đến sự bình yên, an lạc cho những người xung quanh.

Lần đầu tiên tôi được đến với vùng đất Châu Đốc qua chuyến đi thực tế cùng đoàn giảng viên Trường Chính trị Bến Tre, được thăm viếng Miếu Bà Chúa Xứ. Tôi cũng như các du hành hương khác cảm nhận được sự cao quý và thiêng liêng của Bà. Qua tìm hiểu về vùng đất Châu Đốc (An Giang), tôi thấy được vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương, sự hợp tác, gắn kết của nhân và chính quyền tại nơi đây. Họ đã cùng nhau khai thác triệt để thế mạnh tại địa phương góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch, phát triển kinh tế. Điều tôi học hỏi được qua chuyến thực tế tại vùng đất Châu Đốc đó là cách quản lý, cách khai thác, mặt mạnh và hạn chế tại vùng đất này, thấy về một thế giới huyền bí, nhiệm mầu mà người dân tìm về nơi đây.

Từ những kiến thức thực tế, đây là hành trang để tôi vận dụng trong cả quá trình làm việc của mình. Bến Tre Đồng khởi quê tôi được thiên nhiên ưu đãi và nổi bật với những vườn dừa xanh thẳm, vườn cây ăn trái sum xuê, làng nghề truyền thống, di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh,…rất phù hợp để chúng ta đẩy mạnh, khai thác lợi thế của mình qua nhiều hình thức du lịch như du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch làng nghề, du lịch về nguồn, du lịch nghĩ dưỡng,…Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã và đang khai thác hiệu quả những tiềm năng này. Đặc biệt, Bến Tre đang thực hiện chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” khuyến khích mọi người, mọi nhà cùng nhau khởi nghiệp bằng chính tiềm năng, thế mạnh vốn có, để Bến Tre có thể sánh vai cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác trong cả nước./.

______________   

1. Webside http://www.buddhismtoday.com

2. Webside http://www.angiang.gov.vn, Cổng TTĐT An Giang với bài viết của Hà Ngân đăng ngày 28/2/2017

* Chú thích:

Lễ túc yết: là lễ hương chức ra ra mắt thần. Theo cổ lệ mà sách Gia Định thành thông chí đã biên chép, lễ này được tiến hành vào buổi chiều cho đến hết đêm ngày thứ nhất. Theo sách Sổ tay hành hương đất phương Nam, sắp đến giờ hành lễ, các thành viên của Ban tế tự mặc áo thụng xanh, khăn đóng, mang giày đứng sắp hàng hai bên võ ca cùng với ban nhạc lễ, các lễ sinh và đào thài (đào chuyên hát chúc tụng) trong tư thế sẵn sàng. 

Lễ xây chầu: Lễ được cử hành sau lễ tế Túc yết.

Về cách thức xây chầu chia làm ba loại: Xây chầu văn, Xây chầu võ, và Xây chầu bán văn bán võ. Lễ này bắt nguồn từ quan niệm dịch lý của đạo Nho: thuận đạo trời (âm dương), an đạo đất (nhu cương) và hòa đạo người (nhân nghĩa); ba đạo này hòa hợp vạn vật mới hanh thông, tốt đẹp.

Tin khác