Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 13:26

Bến Tre cần biến những nguy cơ, thách thức thành thời cơ, vận hội trong Đồng Khởi khởi nghiệp

ThS. Nguyễn Thành Phương
                                                        Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Trung tuần tháng 9 năm 2019, tôi có dịp hướng dẫn đoàn học viên lớp Trung cấp LLCT-HC Khối Doanh nghiệp 2018 đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Phú Yên với địa danh “xứ Nẫu” và Ninh Thuận với đặc thù “nắng như rang, gió như phan” của vùng đất bán hoang mạc thuộc Nam Trung bộ.

Vì là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt thuộc các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đến với Phú Yên và Ninh Thuận, các đồng chí học viên ai ai cũng hào hứng trước vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và những di tích lịch sử văn hóa, những công trình đền, tháp tồn tại mãi cùng thời gian của nền văn hóa Sa Huỳnh với tháp Chăm sừng sững ở hai vùng đất vốn giàu tiềm năng du lịch.

Nhưng rồi cũng từ cảnh tình ấy, các đồng chí học viên lại đan xen những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân mình sau chuyến nghiên cứu thực tế phải làm gì và làm như thế nào để đánh thức vùng đất giàu tiềm năng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức thành thời cơ và vận hội trong Đồng Khởi khởi nghiệp của quê mình.

Phú Yên vùng đất được bao bọc bởi hai con đèo, phía Nam có đèo Cả làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Khánh Hòa. Phía Bắc có đèo Cù Mông làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Bình Định. Phía Tây có dãy Trường Sơn lăn dài ra biển với những gềnh đá tự nhiên uy nghiêm mang đậm nét hoang sơ và vô cùng thơ mộng. Phía Đông giáp Biển Đông với những bãi biển dài, đẹp nhất nhì miền Trung. Đặc biệt là hệ thống cảng nước sâu được coi như tiềm năng vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho Phú Yên một cách hào hoa, phóng khoáng.

Nếu như Phú Yên có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận nhưng không tái tạo đó là những mõ đá granite, một trong những khoáng sản mà không phải tỉnh nào ở nước ta cũng có được. So với Bến Tre nguồn tài nguyên thiên nhiên chính và chủ yếu là cát và nghêu. Hai nguồn tài nguyên này chúng ta vừa khai thác vừa bảo tồn, vì vậy làm như thế nào để Bến Tre vươn lên bứt phá trong những năm tới với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tận này?

Phú Yên có các di tích lịch sử, văn hóa như hệ thống tháp Chăm một minh chứng, một biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh; một di tích lịch sử Vũng Rô biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những chiến sĩ đoàn tàu không số gắn liền với con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến Tre mình cũng có không ít di chỉ khảo cổ biểu tượng của nền văn hóa Óc Eo một thời hưng thịnh của vương quốc Phù Nam. Đặc biệt lại là cái nôi của cuộc Đồng Khởi long trời lỡ đất ở miền Nam năm 1960 đi vào lịch sử với những trang sử vàng vẽ vang, oanh liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Bến Tre lại tự hào có bến A101 ở xã Thạnh Phong là đầu cầu chuyển tải vũ khí Bắc Nam của con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển. So sánh, đối chiếu để nhắc nhở với Bến Tre rằng hãy biến niềm tự hào trong lịch sử thành hành động cách mạng thiết thực nhất nhằm đánh thức những tiềm năng và thế mạnh ra quân Đồng Khởi mới; Đồng Khởi khởi nghiệp nhất là trong phát triển du lịch nhằm đến việc tạo điều kiện cho Bến Tre phát triển bền vững trong những năm tới.

Các con sông ở hai tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận mang đậm dáng dấp đặc thù của miền Trung đều ngắn và độ dốc cao, chảy xiết lưu lượng không lớn nhưng lại rất giàu tiềm năng về việc phát triển thủy điện, so sánh, đối chiếu với những dòng sông của Bến Tre thơ mộng, hiền hòa ngày đêm uốn lượn quanh những rặng dừa xanh âm thầm chuyển tải phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ hạ nguồn. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để khai thác một cách hợp lý hơn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận của những dòng sông mang lại trong phát triển bền vững nói chung mà đặc biệt là khai thác và phát huy tiềm năng du lịch trong những năm tới.

Năm nay lũ về muộn lưu lượng nhỏ, và những năm tới thậm chí lũ không về do hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông trên lãnh thổ Lào và Trung Quốc, hậu quả khôn lường là nước biển sẽ xâm nhập sâu, độ mặn cao, hạn mặn kéo dài, lượng phù sa không đủ đắp bồi, tái tạo độ phì nhiêu cho đất, sụp, lún và lở đất ven các con sông nhất là vùng hạ lưu là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra đây là nguy cơ, thách thức hay thời cơ và vận hội cho vùng hạ lưu như Bến Tre trong nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy hải sản góp phần cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách có hiệu quả, tạo tiền đề và điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.

Đến với Ninh Thuận xứ sở được mệnh danh là bán hoang mạc, vùng đất “Nóng như rang, gió như phan” nhưng Ninh Thuận biết biến nguy cơ, thách thức hay thời cơ và vận hội trong phát triển nguồn năng lượng sạch và vô tận từ điện gió (phong điện) năng lượng mặt trời (pin mặt trời). So sánh, đối chiếu với Bến Tre chúng ta có ba huyện biển (Ba Tri; Bình Đại; Thạnh Phú), có cửa gió (Thạnh Hải, Thạnh Phong – Thạnh Phú; Bảo Thuận – Ba Tri; Thới Thuận, Thừa Đức – Bình Đại), có những con giồng ven biển với thời gian nắng không kém gì với Ninh Thuận (28.000 giờ/năm). Chúng ta đang phát triển năng lượng gió sau Ninh Thuận, Bạc Liêu vừa rút kinh nghiệm của các tỉnh bạn, vừa có lợi thế trong cạnh tranh đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để Bến Tre đánh thức tiềm thức, khơi dậy tiềm năng, khai thác, phát huy và sử dụng một cách có hiệu quả mọi tiềm lực cho Đồng Khởi khởi nghiệp trong những năm tới đây.

Ninh Thuận vùng thổ nhưỡng thích hợp với nền nông nghiệp trồng và chế biến nho,  nho Ninh Thuận đã có thương hiệu và là vùng thị trường nguyên liệu chất lượng cao cho ngành chế biến rượu và các sản phẩm từ nho. So sánh, đối chiếu  với Bến Tre, xứ sở của dừa thì việc trồng và chế biến dừa Bến Tre với tư cách khai thác chuỗi giá trị, chúng ta thấy rằng về tiềm năng thì tương đồng như nhau, vấn đề còn lại là khai thác và chế biến làm như thế nào để phát huy thế mạnh trong cạnh tranh và hiệu quả của chuỗi giá trị từ cây chủ lực tạo nên thời cơ và vận hội trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tới.

Ngoài cây nho, Ninh Thuận và Phú Yên là vùng đất thích hợp với việc trồng chuyên canh cây trôm lấy và chế biến mũ trôm. So sánh, đối chiếu với việc quy hoạch trồng cây ăn trái của Bến Tre thì đặc thù mỗi nơi mỗi khác, song hai tỉnh bạn đã thành công trong phát triển vùng chuyên canh trong quy hoạch và xây dựng thương hiệu của sản phẩm được thị trường chấp nhận. Vấn đề đặt ra cho Bến Tre là làm như thế nào để có vùng nguyên liệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tạo dựng thương hiệu nhằm cạnh tranh trong điều kiện phát triển bền vững hiện nay.

Về chăn nuôi Ninh Thuận và Phú Yên vùng bán hoang mạc, thuận lợi cho việc nuôi thả gia súc quy mô lớn hình thành những trang trại, doanh nghiệp đầu tư mạnh cho nuôi bò, cừu, dê. Vùng biển nước sâu ngư dân hai tỉnh ngoài việc vươn ra đánh bắt xa bờ như câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên thì việc nuôi trồng thủy hải sản như các loài cá, các loại rong… đã tạo nên thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng đồng thời còn là thị trường hải sản phục vụ cho du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài. So sánh, đối chiếu với nuôi trồng và chế biến ở Bến Tre, vùng biển bùn, nước lợ, ngọt, thì tiềm năng chưa được đánh thức. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để Bến Tre vừa khai thác có hiệu quả những tiềm năng vốn có, vừa bảo tồn và tái tạo nhằm phục vụ cho tương lai trong phát triển bền vững sau này.

Để Bến Tre, biến những nguy cơ, thách thức thành thời cơ và vận hội trong Đồng Khởi khởi nghiệp nhằm bứt phá trong những năm tới theo tôi cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về mọi mặt của mỗi người dân nhất là nhận thức về tác hại khó lường của biến đổi khí hậu để có hành động thực tế ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm biến những nguy cơ, thách thức thành thời cơ và vận hội trong Đồng Khởi khởi nghiệp.

Thứ hai, phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén của chủ thể sản xuất và kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để đánh thức tiềm thức, khơi dậy tiềm năng, khai thác, phát huy và sử dụng mọi tiềm lực vốn có của tỉnh nhằm biến những nguy cơ, thách thức thành thời cơ và vận hội trong Đồng Khởi khởi nghiệp.

Thứ ba, phát triển du lịch bền vững, cần có sự liên kết mà việc tạo dựng sản phẩm du lịch đặc thù là nhân tố cốt lõi quyết định sự sống còn của ngành du lịch. Một mặt, phá vỡ tính tương đồng trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch vùng, miền. Mặt khác, tạo cú hích thu hút và giữ chân khách du lịch tìm đến và sử dụng các sản phẩm du lịch đặc thù và các dịch vụ du lịch khác.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nói chung nhằm phát triển kinh tế - xã hội song nên ưu tiên nhất là phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch làm sao để biến thị trường bất động sản từ đất ở thành đất xây dựng trước mắt là phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, sau đó mục đích chính là hạ tầng phục vụ du lịch.

Thứ năm, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ làm đòn bẩy vực dậy vùng đất giàu tiềm năng còn đang ngũ quên chưa bừng tỉnh biến nó thành thời cơ và vận hội cho Đồng Khởi khởi nghiệp mà các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiêp trẻ là lực lượng chủ công.

Thứ sáu, sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, mô hình cánh đồng lớn, liên kết bốn nhà mà lực lượng chủ công là hợp tác xã cần phải nhịp nhàng, đồng bộ thì việc bứt phá của Bến Tre trong phát huy các nguồn lực đã có sẽ thành công.

Kết thúc chuyến đi, trên đường về là những lời trao đổi, ghi nhận, bàn bạc, thảo luận của học viên từ các nội dung đã được tiếp nhận trong những ngày qua. Hai tỉnh bạn đã biết biến những khó khăn, thách thức thành thời cơ và vận hội, đặt ra cho Bến Tre những suy tư về sự bứt phá trong tương lai. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, nội dung phong phú, sát chủ đề và thành công lớn nhất là sự đoàn kết của lớp. Với chúng tôi những người tham gia hướng dẫn Đoàn cảm thấy hài lòng về sự thỏa mãn của học viên sau chuyến hành trình./.

Tin khác