Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 11:11

Bài học về phương pháp ngoại giao tâm công của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc trích hai câu trong tuyên ngôn của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp làm đề dẫn

Nguyễn Thị Ninh
Phòng Đào tạo

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trên toàn quốc, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới. 72 năm đã trôi qua song âm hưởng hào hùng, vang vọng của bản “Tuyên ngôn độc lập” vẫn vẹn nguyên sâu sắc, trong đó đoạn mở đầu của bản “Tuyên ngôn độc lập” thông qua việc sử dụng hai câu trích trong tuyên ngôn của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, Người đã để lại bài học ngoại giao quý báu về phương pháp ngoại giao tâm công.

Ngoại giao tâm công là một trong những phương pháp đặc sắc của ngoại giao truyền thống Việt Nam. Chống giặc mạnh, giao thiệp với nước lớn cần “Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”[1] (đánh vào lòng người). Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã “bên trong thì giúp việc trù hoạch mưu lược ở nơi màn trướng, bên ngoài thì thảo văn từ chiêu dụ các thành”[2] nghĩa là dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch, thực hiện hoà đàm, khi thì để hoà hoãn tạm thời với địch nhằm bảo toàn lực lượng, khi ưu thế thuộc về nghĩa quân thì dùng lý lẽ để buộc địch rút quân về nước.

Kết hợp truyền thống với hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm vận dụng sáng tạo và phát triển ngoại giao tâm công trong nền ngoại giao hiện đại để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Người từng nói: “Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”. Với hiểu biết sâu rộng về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cử chỉ ngoại giao tinh tế, mẫu mực để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Đó là khi Người cởi khăn của mình quàng vào cổ một bạn người Đức bị ho khi thăm Việt Nam. Có khi là hành động nghĩa tình cởi áo khoác cho một tù binh Pháp đang lạnh run giữa thời tiết mùa đông Việt Nam. Khi sang thăm Ấn Độ vào năm 1958, Người đã gửi vòng hoa và một cây đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh ra đương kim thủ tướng Ấn Độ J.Nehru (Người đã gặp ông cụ ở thủ đô Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân, một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và đã lâu năm), điều đó đã khiến Thủ tướng Ấn Độ xúc động “Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”.[3] Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”, và cũng theo quan điểm của Người “ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”. Nhiều nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những lời thuyết phục có lý có tình của Người, thông qua báo chí, những thiện chí của nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, qua đó họ hiểu và đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tấm lòng chân thành cùng sự mẫn cảm chính trị đề cao chính nghĩa, đạo lý và khả năng xử thế tinh tế trong giao tiếp đối ngoại đã tạo ra sự cảm hoá và trở thành nét đặc trưng của ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam đã viết: “Ông Hồ Chí Minh không những đã giải phóng đất nước của ông, thay đổi chiều hướng thuộc địa ở cả châu Phi lẫn châu Á, mà còn làm được một điều đáng chú ý hơn: ông đã dùng tới nền văn hoá và tâm hồn của kẻ địch của ông”.[4] Điều đó thể hiện rõ trong việc mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập”, Người đã trích dẫn “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và  quyền mưu cầu hạnh phúc” và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Trong lịch sử thế giới, Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp ở thế kỷ XVIII là những cột mốc lớn khẳng định những lý tưởng đầy nhân văn của loài người. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ là văn bản chính trị tuyên bố ly khai khỏi Vương quốc Anh của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ. Tuyên ngôn được đọc ngày 4 tháng 7 năm 1776, nội dung chính của bản tuyên ngôn dựa trên tư tưởng John Locke, một triết gia người Anh. Theo ông, con người có ba quyền cơ bản không thể bị tước đoạt là quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Quyền sở hữu được Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đề cập tới trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ là "quyền được mưu cầu hạnh phúc".  Bản “Tuyên ngôn Độc lập” này tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để để giành lại độc lập tự do cho nhân dân Mỹ lúc bấy giờ. Trong khi đó, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp, do hầu tước Marquis Lafayette soạn thảo, đã công khai ghi rõ các quyền tự do dân chủ: tự do thân thể, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, quyền chống áp bức… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn chính những lời lẽ hùng hồn, những giá trị tinh tuý của hai bản Tuyên ngôn trên để khẳng định lẽ phải và nguyên lý về giải phóng con người, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sau này, trong cuộc nói chuyện tại Uỷ ban Trung ương Hội Pháp – Việt ngày 11 tháng 7 năm 1946, Người nói: “Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng đã tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong”. Tiếp đó, trong ‘Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám”, ngày 19 tháng 8 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh điểm đồng của cách mạng Việt Nam với các cuộc cách mạng khác trên thế giới. Người viết:

“Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm.

Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái”.[5]

Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp ở thế kỷ XVIII là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới, khẳng định những lý tưởng đầy nhân văn của loài người. Như vậy, Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam thắng lợi, sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của nhân dân Việt Nam chính là sự tiếp nối dòng chảy lịch sử khẳng định sự kế thừa những giá trị nhân văn cao cả của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp.

Xét về hoàn cảnh lịch sử ra đời của “Tuyên ngôn độc lập”, chúng ta càng hiểu hơn hết phương pháp ngoại giao tâm công của Người khi sử dụng hai câu trích dẫn mang tinh túy của hai bản tuyên ngôn Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc vua Bảo Đại thoái vị để làm người dân của một nước Việt Nam độc lập, đã chứng tỏ ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, ngay thời điểm bấy giờ, nền độc lập nước nhà vừa mới giành được lại bị đe doạ. Các thế lực đế quốc, phản động quốc tế âm mưu câu kết, bao vây, chống phá quyết liệt, hòng thủ tiêu thành quả cách mạng của nhân dân ta. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch chuẩn bị kéo vào miền Bắc thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật; nhưng thực chất là thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động trong nước lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ tay sai cho chúng. Cùng lúc, quân Anh kéo vào miền Nam cũng để tước vũ khí quân Nhật, song thực chất là bí mật tìm cách giúp quân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam. Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng nên Đông Dương phải thuộc về Pháp. Chính vì vậy, bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một yêu cầu của lịch sử, khẳng định đất nước ta độc lập, tự do, dân chủ và quyết tâm của quân dân cả nước bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ ấy. Được trịnh trọng đọc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, bản “Tuyên ngôn độc lập’ trở thành văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc và thế hợp pháp của chính quyền cách mạng Việt Nam với toàn thế giới. Khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được thành lập, Chính phủ lâm thời đã ra mắt trước đồng bào, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do nhân dân làm chủ, đã tiếp đón quân Đồng minh với tư cách là quốc gia có chủ quyền. Đồng thời, với “Tuyên ngôn độc lập”, chúng ta có cơ sở pháp lý để sau này thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Trích dẫn hai câu bất hủ trong tuyên ngôn của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp làm đề dẫn để công bố nền độc lập của dân tộc Việt Nam là cách để nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể phân hoá và thu hẹp đến mức có thể đối với các thế lực thù địch hoặc không thân thiện, tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ được, đó là sự ủng hộ tích cực của các lực lượng yêu chuộng hoà bình và nhân dân tiến bộ tại Mỹ, Pháp cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Đây là thành công trước hết về mặt ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngay từ khi mới được thiết lập và thể hiện tầm nhìn xa trông rộng cho những mục tiêu lâu dài của cách mạng Việt Nam của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc.

Không chỉ trích dẫn nội dung hai câu tuyên ngôn của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp mà trên tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn suy rộng ra “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là nội dung không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc ta mà có ý nghĩa sâu sắc với thời đại. “Sự “suy rộng ra” đó ở Người là một bước phát triển mới có ý nghĩa thực sự vĩ đại, nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII lên ngang tầm những lý tưởng của thời đại mới: Thời đại giải phóng các dân tộc khởi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, thời đại phá tan tành xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do bước lên vũ đài thế giới sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.[6] Đánh giá ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 của nước ta, trong lễ trao bằng Tiến sĩ Luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Bandung (Indonesia) đã cho rằng: Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức. Học giả Nhật Bản Shingo Shibata cũng đưa ra nhận xét: "Đặc điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ông đã thừa hưởng tư tưởng về quyền con người và mở rộng quyền đó vào quyền các dân tộc. Sự đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh là trên thực tế, ông đã phát triển quyền con người vào quyền các dân tộc. Từ đó dẫn đến tất cả các dân tộc đều được hưởng quyền quyết định vận mệnh của chính mình, như vậy thì tất cả các dân tộc đều có thể và thực hiện việc tự cai quản nền độc lập của mình". Cơ sở của ngoại giao tâm công, đó là “dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”, đó chính là sự tương đồng về tình cảm yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẽ phải và đạo lý của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Nắm vững điều đó, chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân toàn thế giới.

Trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại của nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng: “Môi trường hoà bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và  quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có bước phát triển mới.

Nhận thức đúng về xu thế của thời đại và cục diện thế giới, khu vực, Đảng, Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo và các chính sách đúng đắn, kịp thời trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề biển Đông, đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế ủng hộ.”[7]

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tình hình quốc tế đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực nói chung và Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng diễn biến rất phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình”, hòng làm mất ổn định chính trị, lật đổ chính quyền nước ta. Trước tình hình trên, vấn đề đặt ra hết sức quan trọng là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó ngoại giao đã và đang là một mặt trận quan trọng hàng đầu. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các phương pháp ngoại giao trong đó có phương pháp ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học và thực tiễn. Đây là cơ sở để Đảng ta huy động các nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với nguồn lực nội sinh của dân tộc tạo ra nguồn sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


[1] Trích “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi.
[2] Vua Lê Thánh Tông viết trong phần chú thích trong “Minh lương cẩm tú”.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.9, tr.84.
[4] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động, H.1993, tr.36.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.5, tr.187.
[6] TS. Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 – Những giá trị truyền thống và đương đại, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 10 tháng 01 năm 2006
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.151-152.

Tin khác