Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 15:18

“Sóng trước nâng sóng sau” một quy luật cần nắm giữ để hướng đến thành công trong môi trường chính trị

ThS. Nguyễn Thị Yến
Trưởng khoa NN và PL
 

Một quy luật của cuộc đời, của nghề nghiệp mà nhiều người thường ví: Sóng sau xô sóng trước. Hiểu câu nói trên rất đa nghĩa nhưng từ “xô” bao hàm là sức mạnh, là sự tàn độc khi đối với nhau. Xin hãy hiểu từ “xô” với sự cảm nhận đẹp, tinh tế là sức mạnh để tiến lên và khẳng định bản lĩnh của mình, của thế hệ đi sau để thế hệ đi trước được an yên.

Là một người sắp sửa gát chèo, chuyển cho các em tiếp tục sự nghiệp to lớn với nhiều trọng trách, với nhiều yêu cầu ngày càng cao hơn, tôi cảm nghĩ để các em luôn vững tay chèo, mỗi chúng tôi là thế hệ đi trước, đàn anh, đàn chị của các em, các cháu phải tuân theo quy luật và tôi ví von rằng: “Sóng trước phải nâng sóng sau”. Có như vậy, bản thân mỗi chúng tôi khi về với cuộc sống thường nhật sẽ thấy rằng chí ít ra mình đã để lại chút gì cho các em, các cháu cùng mình đưa ngôi nhà chung luôn ấm tình, luôn vững chắc để cùng hướng đến hai từ “kết quả”. Điều này tôi muốn đề cập đến lớp người đi trước hướng người đi sau và bằng giải pháp nào?

Trước hết, tôi nói về các em viên chức tập sự, đó là hình ảnh các em, cháu khi mới về Trường. Để đến ngôi nhà chung “Trường Chính trị”, mỗi con người đều mang nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng cơ bản nhất là có công việc để làm và được làm việc. Với các em khi mới vào, bước đầu rất lúng túng trong quan hệ giao tiếp, trong hoạt động thường ngày, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Do vậy, các anh chị, trước hết là, các trưởng bộ phận phải chịu trách nhiệm chính và hướng dẫn dìu dắt các em; tiếp đến là các anh chị trong Chi đoàn Trường sẽ vui mừng chào đón các thành viên mới, trẻ và cùng hoạt động với nhau. Môi trường này, với các em là sự dễ dàng gắn kết, đồng điệu để chia sẻ công việc, vui buồn trong cuộc sống, công tác,… Ngoài ra, những người lớn tuổi trong cơ quan “có thâm niên” luôn muốn tạo mối quan hệ giúp các em chững chạc, chuẩn mực và tiến bộ, tùy theo công việc đảm nhận. Nét đẹp trong sự giúp đỡ này là vô tư mà trách nhiệm với những mong muốn các em sẽ hòa vào không khí của đại gia đình Trường Chính trị để phấn đấu và tiến bộ. Trong quá trình hỗ trợ, qua thời gian công tác, các em sẽ bộc lộ những ưu và hạn chế của mình đó là điều tất nhiên, cơ bản là với những người đi trước phải có phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ khoa học, hợp lý, kiên quyết, lương tâm. Khi hướng dẫn rất cần sự đồng cảm về những thách thức để các em không chùn bước và phấn đấu thành công trong mọi hoạt động. Hãy để các em đối với chúng ta bằng sự thương mến, quý trọng.

Đối với các em đã qua thời gian công tác, mỗi người rất hiểu công việc của mình và nắm rõ quy luật, quy chế, nguyên tắc hoạt động của bản thân đối với nhiệm vụ được giao. Tất nhiên, trong hoạt động sẽ có những ưu tư, trăn trở, những vui buồn đan xen vì có những em đã thành gia lập thất, mỗi người có cuộc sống cho gia đình, cho những lo toan cuộc sống hàng ngày; có những em phải đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Trường, khi đó bản thân mỗi người lại tiếp tục phấn đấu với sự nỗ lực cao độ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ với Trường, gia đình và xã hội. Có những em có hoàn cảnh khá đặc biệt về sức khỏe; về sự cố trong cuộc sống; về những điểm yếu của bản thân nhưng khó vượt qua,… Với người đi trước cần có sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, quan tâm đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng việc; chia sẻ bằng tình cảm trân trọng của tình đồng chí, đồng nghiệp để mỗi người được chia sẻ, hỗ trợ thấy đây là gia đình thứ hai của mình để các em có thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin để phấn đấu và cống hiến.

Để nâng được các em trên bước đường sự nghiệp, lớp người đi trước cần thấy, hiện nay, cuộc sống hiện đại kèm theo sự phát triển vượt bậc của mọi thứ. Lớp trẻ càng lúc càng giỏi giang và thậm chí còn tiến xa hơn lớp người đi trước nhiều mặt, chính sự tiến bộ đó mới thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Không một ai phủ nhận tài năng, kinh nghiệm và kiến thức uyên thâm của những người đi trước. Nhưng việc có cái nhìn khách quan về lớp trẻ sau này không có gì là quá đáng. Một đất nước mà những tinh anh cứ dần dần xuất hiện và càng ngày càng giỏi giang hơn là đáng mừng. Không chỉ là riêng bản thân họ mà chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai rực rỡ hơn nữa vào một ngày không xa. Từ đó, người đi trước phải có cái nhìn khách quan về lớp trẻ, phải biết vừa rước người đi trước, phải vừa ngoảnh nhìn người đi sau để học hỏi, trao đổi. Đây là sự cho và nhận rất công bằng từ hai phía, bởi đôi lúc bản thân mình giỏi nhưng so với mọi người mình chưa hẳn là người giỏi nhất, vì vậy, những người đi trước không nên quá tự mãn mà chỉ nhìn một phía, chỉ biết cho và muốn được cho mà không biết trao đổi, học hỏi từ lớp người đi sau, điều này sẽ dẫn đến sự thụt lùi. Vì tuổi tác không làm nên sự uyên bác.

Nhà sinh học nổi tiếng thế giới người Anh, C. Darwin, với nhiều công trình khoa học ghi dấu ấn vào lịch sử đã từng nói: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. A. Einstein có một câu nổi tiếng: “Dùng một vòng tròn biểu thị kiến thức tôi đã học thì phần trắng bên ngoài đường tròn còn rộng biết bao, có nghĩa là những điều tôi chưa biết còn rất nhiều. Hơn nữa vòng tròn càng to, chu vi của nó càng lớn, thì sự tiếp xúc với phần trắng bên ngoài càng mênh mông hơn. Do đó, có thể thấy những điều tôi chưa biết là nhiều vô kể”. Điều này nói lên biển học vô bờ và người thành công nếu biết nắm bắt nó. Vì vậy, học để mở rộng tri thức bản thân, học hỏi nhau để làm giàu tri thức thì không phân biệt thế hệ nào mà là sự chia sẻ nhau cùng tiến bộ, đó là điều cần trao nhau trong công tác, học tập, là chất keo tạo nên sự thân thiết, gắn bó của những con người luôn biết vì nhau để sống, hoạt động cùng nhau.

Câu tục ngữ “Sóng sau xô sóng trước” hay được đổi thành Sóng sau nâng sóng trước” bao hàm những ý tứ rất đẹp trong cuộc sống, học tập và công tác tại bất cứ môi trường hoạt động nào nói chung, với Trường Chính trị Bến Tre nói riêng. Nó như một sự chiêm nghiệm về những chân lý trong cuộc đời. Trong tương lai với môi trường tôi đang hoạt động sẽ tiếp tục có những đồng chí, đồng nghiệp mới và lớp chúng tôi lại tiếp tục đồng hành cùng lớp trẻ để Trường chúng tôi luôn được nêu cao tinh thần đoàn kết, tiến bộ, thành công./.

Các thế hệ nữ công chức, viên chức và người lao động Trường Chính trị.

Tin khác