Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 13:54

“Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” của C.Mác cơ sở hình thành và phát triển về mặt lý luận kinh tế chính trị học Mác - Lênin

ThS. Trần Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị được C.Mác viết từ tháng Tám năm 1858 đến tháng Giêng năm 1859, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hình thành khoa kinh tế chính trị học mácxít. Với tác phẩm này, lần đầu tiên, C.Mác trình bày một cách khoa học và tương đối đầy đủ, có hệ thống quan niệm của mình về hàng hoá, tiền tệ. Luận giải một cách thuyết phục về vai trò của lao động trong việc tạo ra giá trị, C.Mác đã đặt nền tảng cho việc giải thích một cách khoa học bản chất của chế độ bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa.

Từ đầu năm 1857, C.Mác đã tập trung tinh thần sức lực vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị học. Trong một bức thư gửi cho Ph.Ăngghen, C.Mác đã viết: “Tôi làm việc như thằng điên thâu đêm tổng kết những công trình nghiên cứu kinh tế của tôi để có được sự sáng tỏ ít ra là trong những vấn đề cơ bản từ thời thượng cổ”[1].

Bắt đầu cho sự nghiên cứu là Kinh tế chính trị tư sản cổ điển ở Anh mở đầu từ W.Petty (1623-1687) đến A.Smith (1723-1790) và kết thúc ở D.Ricardo (1772-1823) được C.Mác thể hiện một cách sâu sắc và thành công trong cả hai chương (chương về hàng hoá và chương về tiền tệ - hay lưu thông giản đơn), nhưng rõ nét và cô đọng nhất là trong Lời tựa của tác phẩm. Những hạn chế cơ bản của trường phái kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh được C.Mác phê phán, kế thừa và phát triển:

* Trước tiên là lý luận về giá trị: Các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh chưa phân tích được đầy đủ kết cấu giá trị: W AS=v+m W DR=c 1+ v+m mà theo C.Mác đầy đủ của nó chính là: W=c+v+m. Các ông trước đây chưa biết đến tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá nên chưa giải thích được tại sao hàng hóa có hai thuộc tính. Sở dĩ hàng hóa có hai thuộc tính: Giá trị và giá trị sử dụng là do lao động của người sản xuất ra hàng hóa có tính hai mặt. Chính tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa quyết định tính hai mặt của bản thân hàng hóa. Lao động của người sản xuất hàng hóa có tính hai mặt: Vừa là lao động cụ thể, vừa là lao động trừu tượng. Trong đó lao động cụ thể chỉ là một trong hai nhân tố tạo thành giá trị sử dụng, còn lao động trừu tượng là nhân tố duy nhất tạo ra giá trị của hàng hóa. Theo C.Mác họ mới chỉ chú ý phân tích mặt lượng giá trị, ít chú ý mặt chất và hoàn toàn không phân tích hình thái giá trị.

C.Mác đã chỉ ra giá trị hàng hóa được xét cả về mặt chất và mặt lượng: Chất giá trị hàng hóa là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Lượng giá trị của hàng hóa là lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó quyết định. Từ đó, để tính được giá trị thực của hàng hóa, C.Mác đã đưa ra có 4 hình thái giá trị: Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên; Hình thái giá trị đầy đủ hay mở rộng; Hình thái chung của giá trị; Hình thái tiền tệ.

C.Mác đã phê phán các nhà kinh tế tư sản cổ điển Anh là chưa hiểu được giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị. Giá trị trao đổi là một quan hệ về số lượng, là một tỉ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác. Giá trị là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Giá trị là nội dung là cơ sở của giá trị trao đổi, còn giá trị trao đổi chỉ là hình thức biểu hiện của giá trị.

* Thứ hai, lý luận về thu nhập: C.Mác đã chỉ ra hạn chế của Khoa kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh mà tiêu biểu là: W.Petty, A.Smith và D.Ricardo đã coi tiền lương là giá cả của lao động, mà không không thấy tiền lương là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, hay giá cả của sức lao động.        

Về địa tô (lý luận thu nhập): Khoa kinh tế chính trị mới chỉ nghiên cứu địa tô chênh lệch I, chưa nghiên cứu địa tô chênh lệch II, đồng thời họ còn phủ nhận địa tô tuyệt đối. Qua đó, C.Mác định nghĩa: Địa tô chênh lệch (I) là địa tô chênh lệch thu được trên những ruộng đất có độ màu mỡ tự nhiên thuộc loại trung bình và tốt, có vị trí gần thị trường hoặc gần đường giao thông. Địa tô chênh lệch (II) là địa tô chênh lệch thu được do thâm canh mà có. Địa tô tuyệt đối là loại địa tô mà tất cả các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nộp cho địa chủ, cho dù ruộng đất là tốt hay xấu. Còn lợi nhuận siêu ngạch theo C.Mác nó là khoảng dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, được hình thành do cấu tạo hữu cơ tư bản trong nông nghiệp luôn thấp hơn cấu tạo hữu cơ tư bản trong công nghiệp, nó là số chênh lệch giữa giá trị nông phẩm và giá cả sản xuất chung.

Hạn chế của Khoa kinh tế chính trị trước C.Mác là không hiểu được giá cả sản xuất nên không chứng minh được lợi nhuận bình quân. Lợi nhuận bình quân là số lợi nhuận bằng nhau của những tư bản bằng nhau, đầu tư vào những ngành khác nhau, bất kể cấu tạo hữu cơ của tư bản như thế nào. Kí hiệu sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân là tiền đề của giá cả sản xuất. Giá cả sản xuất bằng chi phí sản xuất cộng với lợi nhuận bình quân. Tức là: Giá cả sản xuất = k

* Thứ ba, lý luận về tiền tệ: Các ông trong khoa kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh chưa phân tích được lịch sử ra đời của tiền tệ. Và vì vậy, họ chưa hiểu được đầy đủ bản chất và chức năng của tiền tệ, gần như mới chỉ biết đến chức năng lưu thông. Trong khi đó, lịch sử ra đời của tiền tệ biểu hiện thông qua sự phát triển của các hình thái giá trị, cụ thể là 4 hình thái giá trị sau: Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên; Hình thái giá trị đầy đủ hay mở rộng; Hình thái chung của giá trị; hình thái tiền tệ. Tiền tệ là một hình thái giá trị của hàng hóa, là sản phẩm của quá trình phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Như vậy nguồn gốc và bản chất của tiền tệ được phát biểu: Tiền tệ là hàng hóa đặc biệt được tách ra làm vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hóa khác, nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Ngoài ra bản chất của tiền tệ còn được thể hiện qua năm chức năng: Thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán, phương tiện cất trữ, tiền tệ thế giới.

* Thứ tư, lý luận về tư bản: Đây là vấn đề mà C.Mác phê phán kịch liệt, vì chính nhận thức không đúng này dẫn đến đánh giá sai bản chất của chủ nghĩa tư bản. Đó là, Khoa kinh tế chính trị đã coi tư bản là một vật nhất định chứ không phải là một quan hệ xã hội. qua đó, C.Mác chỉ ra Tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bóc lột không công của công nhân làm thuê. Chính lý luận này của C.Mác vạch trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản trong mọi hình thái kinh tế giá trị.

* Thứ năm, lý luận về tái sản xuất: Một hạn chế lớn của Khoa kinh tế chính trị là không hiểu được phân chia c (Tư bản bất biến), v (Tư bản khả biến) nên đã bỏ qua c, không hiểu được ảnh hưởng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Vì vậy, các ông đã không phát triển được lý luận tái sản xuất. Khi phân tích điều này, C.Mác khẳng định: Tư bản bất biến là bộ phận tư bản biến thành tư liệu sản xuất mà giá trị được bảo toàn và chuyển hóa vào sản phẩm, tức là không thay đổi về lượng giá trị của nó; còn Tư bản khả biến là bộ phận tư bản biến thành sức lao động không tái hiện ra, nhưng thông qua lao động trừu tượng của công nhân làm thuê mà tăng lên, tức là biến đổi về lượng. Tư bản bất biến là điều kiện cần thiết không thể thiếu được để sản xuất ra giá trị thặng dư, còn tư bản khả biến có vai trò quyết định trong quá trình đó.

Theo C.Mác, cấu tạo hữu cơ khu vực I (Tư liệu sản xuất) tăng nhanh hơn khu vực II (Tư liệu tiêu dùng). Ông đưa ra quy luật kinh tế của tái sản xuất tư bản mở rộng trong điều kiện kỹ thuật ngày càng mở rộng – Quy luật ưu tiên phát triển sản xuất tư liệu sản xuất. Hai tiền đề lý luận quan trọng để nghiên cứu tái sản xuất tư bản xã hội của C.Mác: Giá trị (W=C+V+M) và hiện vật của tổng sản phẩm xã hội (Tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng do hình thức tự nhiên của nó quyết định).

Trong thời gian ở Pari và Brúcxen, C.Mác đã tập trung nghiên cứu khoa kinh tế chính trị để tìm hiểu, “giải phẫu xã hội công dân” (như cách nói của người Anh và người Pháp hồi thế kỷ XVIII). Kết quả của sự nghiên cứu này đã giúp C.Mác đi đến kết luận mà theo ông, “đã trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu sau này” của ông. Chúng ta có thể coi đây là một công thức thiên tài về thực chất của quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác.

Những kết luận được rút ra trong Lời tựa cũng như trong toàn bộ tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị là “kết quả của những sự nghiên cứu trung thực trong nhiều năm” của C.Mác. Từ hệ tư tưởng Đức mà bản thảo phải để cho “sự phê phán gặm nhấm của chuột” đến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, từ diễn văn về tự do buôn bán đến s khốn cùng của triết họclao động làm thuê (những tác phẩm có liên quan trực tiếp được C.Mác đề cập trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị) đã giúp cho C.Mác tiến xa hơn trong việc nghiên cứu lịch sử xã hội loài người. Liên quan trực tiếp đến tác phẩm này còn có hai tác phẩm khác.

Một là Lời nói đầu góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị do C.Mác viết vào cuối tháng Tám đến giữa tháng 9/1857. Đây là bản phác thảo chưa hoàn thành của Lời nói đầu chung, đồng thời cũng là bản sơ thảo của hai tác phẩm kinh tế lớn mà trong đó, C.Mác dự định nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và phê phán những điểm không hợp lý của khoa kinh tế chính trị tư sản là góp phần phê phán khoa kinh tế chính trịtư bản. Trong Lời nói đầu Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, nhiều vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã được C.Mác đề cập. Đặc biệt, ở đây, C.Mác đã đưa ra quan niệm của ông về con người. C.Mác viết: “Con người, theo nghĩa đen của nó, là một động vật xã hội (Arixtốt) không những là một động vật vốn có tính hợp quần, mà còn là một động vật chỉ có thể tách riêng ra trong xã hội mà thôi”[2].

Hai là, “C.Mác, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị do Ph.Ăngghen viết từ ngày 3 đến ngày 15 tháng 8 năm 1859, đăng trên báo “Das Volk” số 14 và 16, ngày 16 và 20 tháng 8 năm 1859. Đây là bài mà Ph.Ăngghen chưa viết xong, bài này chỉ được công bố hai phần đầu, còn phần thứ ba, Ph.Ăngghen dự định phân tích nội dung kinh tế đã được C.Mác đề cập trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Theo Ph.Ăngghen, từ trước đến nay, kể cả môn học tài chính - kinh tế Đức, đều chỉ là “một món hổ lốn tạp nham đủ thứ, có rưới thêm một thứ nước chấm kinh tế học chiết trung”[3]. Chỉ từ khi Đảng Vô sản Đức bước lên vũ đài, thì thời điểm của môn kinh tế chính trị khoa học độc lập của người Đức mới bắt đầu.

 Môn kinh tế chính trị Đức đó, về thực chất, dựa trên nhận thức duy vật về lịch sử mà những nét cơ bản đã được trình bày một cách vắn tắt trong Lời tựa của Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị của C.Mác. Và, như Ph.Ăngghen nhấn mạnh, quan niệm duy vật đó “vẫn xuyên qua như một sợi chỉ đỏ tất cả mọi trước tác của đảng”[4]. Cũng trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã đưa ra một nhận xét có tính chất phương pháp luận, đó là: “Lịch sử thường phát triển qua những bước nhảy vọt và những bước khúc khuỷu quanh co”. Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng, việc phê phán khoa kinh tế chính trị nói riêng, nghiên cứu sự vận động và phát triển của xã hội loài người nói chung, cần phải kết hợp phương pháp nghiên cứu lôgíc với phương pháp nghiên cứu lịch sử, mặc dù phương pháp lôgíc là phương pháp thích hợp nhất, nhưng về thực chất, “phương pháp này chẳng qua cũng chỉ là phương pháp lịch sử, có điều là đã thoát khỏi hình thái lịch sử và khỏi những hiện tượng ngẫu nhiên gây trở ngại thôi. Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó”[5].

Tóm lại, những quan niệm duy vật về lịch sử được C.Mác thể hiện trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị đã đóng một vai trò to lớn trong việc củng cố thế giới quan cách mạng và khoa học cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng nhân loại khỏi mọi áp bức, bất công, mọi sự nô dịch tư bản. Những luận điểm khoa học ấy, cho đến nay, vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử của nó./.

 


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.29. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.290.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.29. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.290.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.606.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.608.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.614.

Tin khác