Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 02:05

Đoàn viên Trường Chính trị phấn đấu rèn luyện “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”

Bài tham luận tọa đàm Chi đoàn Trường Chính trị Bến Tre
Thạc sĩ Đoàn Thị Mao
                                                                           Giảng viên khoa Dân vận

 

 Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vấn đề thanh niên và công tác thanh niên luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng và đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên và tổ chức Đoàn. Song, thanh niên và tổ chức Đoàn cũng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của mình, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ tri thức, đạo đức, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên về ý thức tự tu dưỡng trong học tập và lao động; nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn chặn những thói hư tật xấu, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, hướng tới mục tiêu “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”. Trong đó:

“Tâm trong” là nói về đạo đức, nhân cách, bản lĩnh chính trị. Người thanh niên có “Tâm trong” là người luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Những phẩm chất của người thanh niên có “Tâm trong” như: Yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, tự trọng, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...

“Trí sáng” là nói về kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ. Thanh niên có “Trí sáng” là người luôn nêu cao tính tự giác trong học tập, không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức, kỹ năng, có ý thức sử dụng những tri thức, kiến thức đã học đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người có “Trí sáng” cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: Có tri thức, kỹ năng, sáng tạo, thạo nghề nghiệp, giỏi chuyên môn, cầu thị, có ý thức tự học, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần...

“Hoài bão lớn” là nói về lý tưởng, ý chí phấn đấu, tinh thần dấn thân, khát vọng. Thanh niên có “Hoài bão lớn” là người có ước mơ, khát vọng, lý tưởng cao đẹp, sống kiên định với mục tiêu, lý tưởng đúng đắn. “Hoài bão lớn” thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; có khát vọng, dấn thân, vươn lên; sống có lý tưởng, tuân thủ pháp luật; có tinh thần xung kích, tình nguyện, cống hiến cho đất nước...

Sau thời gian thực hiện Cuộc vận động đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị đã tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đoàn viên bằng những hành động cụ thể trong thực hiện các tiêu chí xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới:

Thứ nhất, thể hiện được bản lĩnh của tuổi trẻ: Đoàn viên Chi đoàn Trường luôn nói và viết theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đường lối, chủ trương, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống. Đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đoàn viên luôn là lực lượng nòng cốt của Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh trong các cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu nghị quyết của Đoàn,... Trong sinh hoạt Chi đoàn thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tinh thần, thái độ, hiệu quả công việc của đoàn viên trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Động viên tinh thần đoàn viên tích cực và kịp thời uốn nắn, định hướng cho đoàn viên chưa thật sự tích cực trong tham gia các hoạt động.

Thứ hai, nói đi đôi với làm, nêu cao tính tự giác trong học tập, không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ.

Đoàn viên Chi đoàn Trường luôn ý thức trong việc tự phấn đấu, rèn luyện, tự giác trong nghiên cứu, học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng bài giảng. Trong 14 đoàn viên Chi đoàn có 10 đoàn viên là giảng viên, tập sự giảng viên, trong đó 02 đoàn viên có trình độ thạc sỹ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và lực lượng giảng viên kế cận của nhà trường. Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt Chi đoàn, Ban Chấp hành luôn động viên, hỗ trợ đoàn viên hoàn thành công tác chuyên môn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Đoàn viên tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở, viết tham luận tọa đàm cấp khoa, trường.

Thứ ba, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ.

Đối với đoàn viên luôn thể hiện tinh thần xung kích, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được phân công trên tinh thần tự giác cao. Đối với cán bộ Đoàn, đã xây dựng được tinh thần trách nhiệm với công việc, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ đối với đoàn viên, xây dựng tấm gương về đạo đức, nhân cách để tạo uy tín với đoàn viên, là hình mẫu để thanh niên noi theo. Luôn làm việc với tinh thần cầu tiến, không ngại khó, là trung tâm đoàn kết các đoàn viên trong Chi đoàn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tập thể Chi đoàn tích cực tìm tòi, nghiên cứu hoạt động của cơ quan, xây dựng mô hình dán bảng gây quỹ hoạt động đã duy trì và mang lại hiệu quả cao. Khắc phục tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Từ nguồn quỹ, Chi đoàn đã chủ động tổ chức các hoạt động như: Tham gia thăm hỏi mẹ VNAH do Trường nhận phụng dưỡng vào dịp lễ, tết; tặng quà cho học sinh nghèo; tặng quà cho đoàn viên thực hiện nhiệm vụ học nâng cao trình độ, đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng,... Bên cạnh đó, Chi đoàn chủ động lựa chọn và đăng ký thực hiện những công trình, phần việc thanh niên góp phần xây dựng môi trường, cảnh quan cơ quan xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, Chi đoàn Trường vẫn còn gặp phải một số khó khăn như:  Với đặc thù của đơn vị, tỷ lệ đoàn viên nữ là 11/14 đoàn viên, một số đoàn viên nữ có con nhỏ đã ảnh hưởng đến hiệu quả tham gia các hoạt đông Đoàn. Đoàn viên còn phải đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn của Trường dẫn đến số lượng có sự biến động (học tập trung). Ban Chấp hành Chi đoàn hoạt động chưa đều (01 có con nhỏ, 01 vừa học vừa làm) dẫn đến chưa đề xuất các hoạt động mang tính đột phá, hình thức hoạt động chưa đa dạng để thu hút đoàn viên tham gia…

Để rèn luyện theo các tiêu chí trên, phát huy những kết quả đạt được, Chi đoàn Trường cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên.

Với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự nỗ lực của Chi đoàn nhà Trường, công tác giáo dục đoàn viên đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đoàn viên Chi đoàn ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Đoàn viên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, có trách nhiệm với công việc, có ước mơ, hoài bão, có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Để công tác tuyên truyền, giáo dục mang lại hiệu quả cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới có “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”.

Hai là, phát huy tinh thần tự giác học tập, rèn luyện của đoàn viên.

Đoàn viên phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của mình đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Không ngừng phát huy những kết quả đạt được, đoàn viên tích cực hơn nữa trong học tập, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của nhà trường. Thắp sáng niềm tin và ý chí quyết tâm ở mỗi đoàn viên, tạo sức mạnh cho mỗi đoàn viên đủ trí, đủ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, đề cao sự nêu gương của cán bộ đoàn.

Cán bộ Đoàn cần định hướng cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện theo tiêu chí “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”. Cán bộ Đoàn chính là người tiên phong, gương mẫu để làm gương cho đoàn viên, thanh niên noi theo. Việc thực hiện, kiểm điểm theo 16 điều “nên và không nên” quy định về tác phong, lề lối cán bộ Đoàn được thực hiện một cách nghiêm túc. Tham mưu cho cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường định kỳ gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với đoàn viên để cấp ủy nắm bắt tình hình và kịp thời định hướng trong hoạt động.

Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để đoàn viên rèn luyện và phấn đấu.

Từ thực tiễn phong trào phải tạo môi trường định hướng, giúp đoàn viên hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng giá trị hình mẫu của người thanh niên thời kỳ mới. Ban Chấp hành Chi đoàn cần phát hiện và phát huy năng lực, sở trường của từng đoàn viên trong từng hoạt động. Tích cực phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay trong đoàn viên, để nhân rộng và phát triển trong Chi đoàn, trở thành hạt nhân cuốn hút, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với đoàn viên. Thông qua nhiều hoạt động phong phú, phù hợp như: Tổ chức “Hoạt động về nguồn” cùng với các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”...

Năm là, phát hiện, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Chi đoàn phải thực hiện nêu gương điển hình tiên tiến, thực hiện bình xét, khen thưởng cho đoàn viên xuất sắc, ưu tú qua đánh giá cuối năm, trong đó, có xét đến tiêu chí đăng ký các tiêu chí thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Những tấm gương điển hình cụ thể kích thích tính tích cực, tự giác của đoàn viên, làm cho những chuẩn mực về hình mẫu người thanh niên thời kỳ mới trở nên trực quan hơn, có sức thuyết phục hơn.

 Sáu là, Chi đoàn thường xuyên tự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức vững mạnh toàn diện.

 Chi đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, các phong trào Đoàn phải hướng đến những vấn đề thiết thực của đoàn viên vừa tham gia các hoạt động đoàn vừa bổ sung vốn kiến thức thực tiễn phong phú đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học của Trường. Các tiêu chí của Cuộc vận động được triển khai trong Chi đoàn, mỗi đoàn viên tự giác, chủ động đề ra phương hướng phấn đấu, rèn luyện theo các giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới bằng các việc làm cụ thể. Đánh giá kết quả thực hiện, gắn với thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên. Ban Chấp hành Chi đoàn cần làm tốt cả “bồi dưỡng”“phát huy” đoàn viên để hoạt động của Đoàn trở nên thiết thực, động viên và tạo động lực bên trong thôi thúc đông đảo đoàn viên tham gia, đây là những nội dung, biện pháp phải được thực hiện thường xuyên.

Qua Cuộc vận động, đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực trong rèn luyện bản thân theo các tiêu chí giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới: “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”. Trong thời gian tới, Chi đoàn Trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khoẻ, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, qua góp phần xây dựng Chi đoàn vững mạnh./.

Tin khác