Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 12:53

Đại thắng mùa xuân 1975 - thắng lợi của việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần

ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao
Giảng viên Khoa xây dựng Đảng
 

Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh: “... con người, chứ không phải súng mút, sẽ thắng trong trận đánh”(1). Nhận định về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, V.I.Lênin đã khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy” (2). Nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò to lớn của nhân tố chính trị - tinh thần, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(3). Chính vì thế, với ý chí tự lực “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”; từ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp, nhận rõ tính chính nghĩa và ưu thế tuyệt đối về mặt chính trị - tinh thần thuộc về nhân dân ta, Đảng ta khẳng định ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nhân tố chính trị - tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng Mùa Xuân 1975 chính là lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam; ý chí “Không gì quý hơn độc lập, tự do”; tinh thần quyết chiến quyết thắng với kẻ thù;... Toàn bộ những nội dung đó được thăng hoa, phát triển kết thành sức mạnh của chính trị - tinh thần vô cùng to lớn thôi thúc và làm nở nở rộ những hành động anh hùng cách mạng góp phần giành thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975.

Như vậy, tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa là cơ sở, nền tảng để xây dựng và phát huy các yếu tố khác tạo nên sức mạnh tổng hợp của chính trị - tinh thần góp phần quyết định đến thắng lợi của cuộc cách mạng.

Việc xác định tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa của một cuộc chiến tranh phải có căn cứ khách quan, khoa học. Căn cứ cơ bản nhất là ở mục đích chính trị của mỗi bên tham chiến. Mục đích áp đặt chế độ lệ thuộc, thôn tính một dân tộc có chủ quyền, hợp hiến pháp quốc tế thì thuộc phi nghĩa và ngược lại là chính nghĩa.

Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là một cuộc đấu tranh chống xâm lược, cuộc chiến tranh nhân dân chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc. Đó là cuộc chiến tranh nhằm thực hiện nguyện vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhờ tính chính nghĩa trong chiến tranh nhân dân giải phóng đã làm kết dính các nhân tố trong truyền thống dân tộc cùng với sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh của chính trị - tinh thần vô cùng to lớn góp phần chiến thắng đế quốc Mỹ - tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới của ta bắt đầu khi Mỹ không tán thành Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, trực tiếp can thiệp và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Châu Á. Thông qua âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ trong thực hiện từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đến “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và đẩy mạnh “chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc đã lộ rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược nên phi nghĩa hoàn toàn về phía Mỹ. Chính hành động đánh phá trực tiếp của quân đội Mỹ vào các làng mạc cùng với những cuộc thảm sát dã man đối với đồng bào ta đã tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Lòng tin của nhân dân Mỹ và nhân dân nhiều nước trên thế giới đối với Mỹ ngày càng suy giảm. Sự bùng nổ mạnh mẽ của Phong trào phản chiến phản đối chiến tranh tại Mỹ và tại các thành phố dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa đã cho thấy điểm yếu về chính trị - tinh thần của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ càng tiến hành ở mức độ cao với chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ở Việt Nam, mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia đã cho thấy chính trị - tinh thần của Mỹ càng yếu, “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào (4). Chính âm mưu và hành động dùng không quân chiến lược với B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hủy diệt xuống Thủ đô Hà Nội - Trung tâm lãnh đạo và trái tim của cả nước; nhà ga; bến cảng; đường giao thông; bệnh viện; khu dân cư; trường học,… đã làm nhân dân thế giới, nhân dân Mỹ thấy những tội ác của quân đội Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa gây ra trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Việc này càng làm cho đế quốc Mỹ “bị cô lập trên thế giới và ngay trong nước Mỹ(5) , chính trị - tinh thần của Mỹ cũng suy yếu hoàn toàn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cho quân đội Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa phải thất bại trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân, dân ta.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân, dân ta được thể hiện ở lòng yêu nước, trung thành vô hạn với Tổ quốc - Trung với nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự tồn vong của đất nước, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Tinh thần đó vốn khởi nguồn từ khí phách đánh giặc giữ nước của ông cha ta qua hàng ngàn năm lịch sử, đã “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”, kể cả “gian khổ hy sinh (6) hình thành nên ý chí chiến đấu kiên cường, quyết tâm quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ, “Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”  (7). Quyết tâm ấy không chỉ thể hiện tiêu biểu nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện ở trong tập thể Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ở hầu hết các cán bộ phụ trách các chiến trường, các tuyến đầu và ở hàng vạn anh hùng, liệt sĩ, hàng chục triệu quần chúng quyết một lòng xả thân chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tất cả tạo nên sức mạnh tổng hợp của nhân tố chính trị - tinh thần góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Sức mạnh chính trị - tinh thần trong Đại thắng Mùa Xuân 1975 còn thể hiện ở sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạch định đường lối cách mạng của Đảng. Đó là đường lối cùng một lúc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng nhằm giải quyết đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ cách mạng của từng miền trong điều kiện hai miền Nam, Bắc bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17. Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam thực hiện nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai nhiệm vụ chiến lược không tách rời nhau mà tác động, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện mục tiêu chung là hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Tính đúng đắn của đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược là cơ sở để Đảng quy tụ sự đoàn kết toàn quân dân với tinh thần quân với dân như cá với nước, một nơi khó khăn, các nơi hướng về “chia lửa”: Miền Bắc ngày đêm hướng về miền Nam, dốc hết sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Cả ngày đêm miền Nam hướng về miền Bắc như hướng về đầu nguồn của cách mạng và kháng chiến, miền Bắc là chỗ dựa, cổ vũ, động viên nhân dân miền Nam quyết tâm đánh Mỹ để hoàn thành công cuộc giải phóng, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả cùng hội tụ tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần vô to lớn trên cả hai miền Nam, Bắc.

Miền Bắc dốc toàn lực để sản xuất và chiến đấu với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế, Sài Gòn kết nghĩa” cùng với những phong trào thi đua sôi nổi như: Gió Đại Phong; Sóng Duyên Hải; Ba Nhất; Thành công; Hai Tốt;... và những khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Chắc tay súng, vững tay cày”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”; hay Nêu gương anh hùng Nguyễn Viết Xuân Nhằm thẳng quân thù mà bắn”; “Tay búa, tay súng”; “Tay cày, tay súng”;... Tất cả đã góp phần xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời thực hiện chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến mức cao.

Nhờ sức mạnh chính trị - tinh thần đã thôi thúc hàng vạn thanh niên ở miền Bắc sẵn sàng xung phong lên đường nhập ngũ vì miền Nam ruột thịt, vì Huế, Sài Gòn kết nghĩa. Đặc biệt vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại các chiến trường miền Nam, trên 80% quân số của lực lượng vũ trang, 81% vũ khí và đạn, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải… là do hậu phương lớn miền Bắc chi viện (8). Sự đóng góp sức của, sức người của nhân dân miền Bắc là tấm lòng, là tinh thần, khát vọng “độc lập tự do”, là quyết tâm của cả nước đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đó mà đất nước Việt Nam - một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã làm nên những huyền thoại có thật trên đất nước hình chữ S - được xem như biểu tượng sinh động nhất của sức mạnh chính trị - tinh thần, đó là: Đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển, đến địa danh ngã ba Đồng Lộc, Hang “Tám Cô”, Truông Bồn, Hàm Rồng,… Tất cả quy tụ thành nguồn sức mạnh vô cùng mạnh mẽ, được phát huy kết hợp với sức mạnh thời đại làm cho thực lực cách mạng ngày lớn mạnh, và khi thời cơ đến, Đảng đã phát huy sức mạnh đó để tiêu diệt và làm tan rã quân đội Mỹ và tay sai của đế quốc Mỹ bằng thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua 46 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng tinh thần, khí thế hào hùng trong Đại thắng Mùa Xuân 1975 vẫn vang động cho đến hôm nay và cả thế hệ sau về tinh thần quật cường, sức sống mãnh liệt và phi thường với niềm tin tất thắng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, với những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng. Đây được xem là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin góp phần quan trọng đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đất nước đang đứng trước nhiều thuận lợi lớn nhưng không ít khó khăn, với thời cơ và thách thức đan xen. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết nhằm góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển./.

Ghi chú:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 15, Nxb.CTQG-ST, H.1994, tr.278.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 41, Nxb.CTQG, H.1977, tr.147.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb.CTQG-ST, H, 2011, tr.89.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG-ST, HN.2011, t.8, tr.549.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H.2010, t.26, tr.631

 ( 6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, HN.2011, t.15, tr. 618.

( 7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, HN.2011, t.15, tr. 612.

(8) Học viện Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Đại thắng Mùa Xuân 1975 - Nguyên nhân và bài học, Nxb.Quân đội nhân dân, HN. 2003, tr. 306.

Tin khác