Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 16:32

Đôi điều suy nghĩ về ứng xử văn hóa trong trường Đảng

Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nghi
Phó Trưởng phòng TC - HC - QT

 

Văn hóa trường Đảng là phạm trù văn hóa tổ chức của cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Văn hóa trường Đảng là toàn bộ kiến thức, tri thức, kinh nghiệm mà đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứu, tổng kết và truyền đạt đến học viên; được tạo bởi sự bồi đắp, chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức,...Những giá trị này mang tính đặc trưng và bản sắc riêng của tổ chức và mỗi cá nhân trong hoạt động thực tiễn. Xây dựng văn hóa trường Đảng là việc vun đắp, phát huy những giá trị của văn hóa Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường chính trị ở các địa phương (gọi chung là trường Đảng). Để làm được điều đó, trước tiên, trường Đảng triển khai thực hiện quy định về văn hóa ứng xử trong trường Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm: “Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”.

Xây dựng văn hóa trường Đảng, đặc biệt là xây dựng cách ứng xử trong mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với tư cách là học viên khi tham gia học tập, rèn luyện tại Trường là vấn đề có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay.

Trong trường Đảng, cán bộ, giảng viên và học viên là những chủ thể không thể thiếu được, có ảnh hưởng, tác động lẫn nhau theo hai chiều tích cực và tiêu cực. Nếu không có đội ngũ cán bộ, giảng viên tốt, giỏi thì khó có học viên giỏi, tốt; ngược lại, hành vi, thái độ của học viên sẽ tác động đến giảng viên, nhất là khi Trường thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm.Học viên học tại trường Đảng có những đặc điểm riêng khác biệt so với học viên các trường khác: Đa số học viên có chức vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Do vậy, họ là người có năng lực, trình độ nhất định trên cương vị mà họ đảm nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn công tác phong phú; một số học viên có học vị bằng hoặc cao hơn giảng viên; thái độ học tập của học viên khác nhau (có học viên tự giác, hứng thú trong học tập, có học viên bị bắt buộc học, học để đủ chuẩn,…); độ tuổi của học viên không đồng đều, một số học viên tuổi đời dưới 30, kinh nghiệm sống và kỹ năng công tác còn hạn chế, có trường hợp học viên mang chức vụ công tác vào trường học, thể hiện mình ở vị trí cao hơn giảng viên; gọi giảng viên lên lớp là anh/chị; không tôn trọng giảng viên, làm việc riêng trong giờ học,…Với những đặc điểm riêng đó đã phần nào quy định tính cách và tâm lý riêng của học viên. Vì vậy, cán bộ, giảng viên cần nhận thức đúng để có cách ứng xử phù hợp, vừa tôn trọng vừa uốn nắn những biểu hiện sai trái của học viên làm cho mối quan hệ giữa học viên và giảng viên ngày càng trong sáng, tươi đẹp bằng những giải pháp  sau:

Thứ nhất, nêu gương về ứng xử trong trường Đảng. Người cán bộ lãnh đạo, giảng viên khi ứng xử với học viên phải là tấm gương về đạo đức cách mạng, tác phong, tư duy, bản lĩnh chính trị; lắng nghe ý kiến của học viên để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng ý kiến của học viên; thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trường Đảng trên giảng đường và trong cuộc sống; không gợi ý tặng quà. Khi ứng xử với chính mình phải thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc; chủ động cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình; thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tư duy, phong cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Là cán bộ, giảng viên trường Đảng, hơn ai hết, cán bộ, giảng viên phải chú trọng tính gương mẫu; quan tâm công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng của đảng viên làm cho tất cả cán bộ, đảng viên giữ vững và phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, tận tụy với đất nước và nhân dân; có ý thức trách nhiệm, say mê, nhiệt huyết với công việc; giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng. Trong công tác cán bộ, Trường chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; bảo đảm sự đoàn kết hợp thành sức mạnh thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong các lĩnh vực công tác của toàn Học viện.

Thứ hai, sự tu dưỡng đức và tài của người giảng viên. Mỗi giảng viên không ngừng tích lũy, bồi đắp, phát huy truyền thống vẻ vang, những giá trị mẫu mực mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của trường Đảng đã tạo dựng. Nhắc tới trường Đảng là nhắc tới những người thầy đáng kính, những nhà khoa học mẫu mực. Trường Đảng là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng cụ thể, nơi thực hiện công việc gốc của Đảng. Trường Đảng với những thế hệ học viên, những cán bộ, đảng viên gương mẫu, được quần chúng tin yêu, được Đảng tin tưởng phân công đảm nhận những đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị; những người hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây chính là những giá trị cụ thể biểu hiện văn hóa trường Đảng. Để đảm nhận vai trò đó, người giảng viên phải tôn trọng học viên, giảng viên có thể có bằng cấp cao hơn học viên nhưng giảng viên phải có hành động khuôn mẫu, chuẩn mực trong cách ứng xử với học viên. Tôn trọng học viên là cơ sở để học viên tôn trọng giảng viên, từ đó giảng viên có hứng thú và đam mê, nhiệt tình trong giảng dạy. Trong quan hệ với học viên, giảng viên phải công bằng, công tâm, không biệt đối xử, giảng viên phải là biểu tượng của sự công bằng, bình đẳng. Thái độ, tác phong của giảng viên thể hiện tính mô phạm, đặc biệt, trong môi trường giáo dục lý luận chính trị, giảng viên phải thể hiện tính hòa đồng, hòa nhã; nghiêm túc nhưng không lạnh lùng, xa cách.

Thứ ba, học viên thực hiện đúng vị trí, vai trò của mình trong học tập, rèn luyện tại trường Đảng. Khi đặt chân vào Trường Đảng, học viên phải xác định đúng động cơ học tập; xây dựng mối quan hệ thầy trò trong sáng, không vụ lợi, từ đó sẽ không có những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ thầy - trò. Học viên cần nhận thức đúng vị trí của mình, có thái độ, phương thức ứng xử đúng mực với giảng viên. Học viên phải tôn trọng giảng viên, đó là đạo lý, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Có thể học viên là người có chức vụ cao nhưng khi học tại trường Đảng, mình là học viên, là người trò của thầy, cô. Tôn trọng giảng viên, học viên thể hiện tinh thần học tập cần cù, chăm chỉ, có chất lượng; chấp hành nghiêm nội quy học tập, có thái độ ứng xử đúng mực; đóng góp ý kiến, góp ý giảng viên đúng quy định; công tâm khách quan đánh giá giờ giảng của giảng viên, không qua loa, đại khái, cảm tính, tình cảm cá nhân.

Học viên phải nhận thức học tập là để nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học nhằm vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, đồng thời để rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác. Mỗi học viên cần tranh thủ mọi thời gian, tận dụng mọi điều kiện để đọc, để nghe, để trao đổi, thảo luận, nỗ lực phấn đấu, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, các đồng chí có thể vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, xử lý đúng các tình huống công việc và hơn nữa, để trở thành một cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, có sức lan toả trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chung của toàn Đảng.

Tóm lại, xây dựng phong cách ứng xử văn hóa trong trường Đảng nói chung và ứng xử văn hóa tại Trường Chính trị Bến Tre nói riêng là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”, góp phần thực hiện thành công văn hóa trường Đảng, văn hóa Đảng./.

Tin khác